Amidan là hai tuyến hình bầu dục nằm ở phía sau của cổ họng, giúp chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi và miệng. Hầu hết các trường hợp viêm amidan xảy ra do nhiễm virus. Nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra khoảng 15-30% các trường hợp.
Viêm amidan có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai nhưng phổ biến hơn ở trẻ em. Khi bị viêm amidan, bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây để giảm bớt các triệu chứng viêm nhiễm tại nhà, tránh bệnh trở nặng.
Uống nhiều nước ấm
Uống nước ấm, trà, nước súp có thể giúp làm dịu cơn đau họng. Trà thảo mộc có chứa các thành phần như mật ong, pectin hoặc glycerine có thể tạo thành một lớp màng bảo vệ màng nhầy trong miệng và cổ họng, làm dịu kích ứng. Tuy nhiên, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy trà thảo mộc hỗ trợ điều trị các triệu chứng của viêm amidan.
Tránh thức ăn cứng
Những người đang bị viêm amidan nếu ăn thức ăn cứng có thể gây khó chịu, thậm chí đau đớn. Thức ăn cứng có thể làm xước cổ họng, dẫn đến kích ứng và làm nặng thêm tình trạng viêm. Do đó, bạn nên tránh các thực phẩm như khoai tây chiên, bánh quy giòn, ngũ cốc khô, đồ nướng, táo... Thay vào đó, bạn nên thử ăn thức ăn mềm hơn, dễ nuốt hơn như cháo, súp cho đến khi các triệu chứng giảm bớt.
Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối có thể tạm thời làm dịu cơn đau hoặc cảm giác nhột ở phía sau cổ họng. Bạn có thể tự pha hỗn hợp nước muối bằng cách thêm một phần tư thìa cà phê muối vào 30 ml nước ấm và khuấy dung dịch cho đến khi muối tan. Bạn thể súc miệng bằng nước muối trong vài giây trước khi nhổ ra, có thể sử dụng cách này thường xuyên nhưng tránh nuốt.
Tăng độ ẩm trong nhà
Không khí khô có thể làm cổ họng thêm đau rát. Những người bị viêm amidan có thể sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát mẻ trong nhà. Các thiết bị này giúp tăng độ ẩm cho không khí để người bệnh cảm thấy bớt khó chịu ở cổ họng.
Gia đình nên vệ sinh máy tạo ẩm hàng ngày nhằm ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc và vi khuẩn có hại. Nếu bạn không có máy tạo ẩm có thể thử hít hơi nước từ vòi hoa sen hoặc bồn tắm nước nóng.
Tránh hắng giọng
Sưng cổ họng có thể khiến giọng nói bị nghẹt. Một số người hắng giọng để mong dễ chịu hơn nhưng làm như vậy có nguy cơ khiến cổ họng bị kích ứng thêm. Nếu bạn bị đau khi nói thì nên cố gắng giữ giọng nói càng nhiều càng tốt, thăm khám bác sĩ vì khó nói đôi khi có thể là biến chứng của viêm amidan.
Nghỉ ngơi nhiều hơn
Người bị viêm amidan nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Nghỉ ngơi sẽ cho phép cơ thể chống lại nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn. Tiếp tục đi làm hoặc đi học có thể khiến bệnh lâu hết hơn và tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho những người khác.
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn
Thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm đau họng, sốt và các triệu chứng đau đớn khác của viêm amidan. Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen, aspirin (lưu ý aspirin không thích hợp cho trẻ em). Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng những loại thuốc giảm đau không kê đơn.
Viêm ngậm thông cổ, mát họng
Một số viên ngậm có chứa thuốc gây tê để làm tê và làm dịu cổ họng. Nhiều loại cũng chứa thuốc chống viêm để giảm sưng và viêm. Một trong những lợi ích của viên ngậm họng là chúng giúp giảm đau trực tiếp tại vị trí bị viêm.
Một số viên ngậm góp phần tiêu diệt vi khuẩn gây ra viêm amidan. Tuy nhiên, viên ngậm không thích hợp cho trẻ nhỏ vì chúng có nguy cơ gây nghẹt thở. Một số cũng chứa benzocain, có thể gây tác dụng phụ. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) khuyến cáo cha mẹ và người chăm sóc tránh cho trẻ dưới hai tuổi sử dụng các sản phẩm có chứa benzocain trừ khi bác sĩ cho phép.
Thuốc xịt và súc họng
Thuốc xịt và súc họng có tác dụng chống viêm và sát trùng trực tiếp vào cổ họng. Một số thuốc xịt họng có chứa những hoạt chất như benzydamine, phenol, dibucaine, chlorhexidine gluconate... thường được sử dụng.
Khi nào nên đi khám?
Viêm amidan thường tự khỏi mà không cần điều trị trong vài ngày. Tuy nhiên, một số người có thể gặp các triệu chứng nặng hơn, nhiễm trùng lan rộng, gây biến chứng. Người lớn, trẻ nhỏ nên đến bác sĩ nếu gặp các triệu chứng như đau họng kéo dài hơn hai ngày, đau họng dữ dội đến mức khó ăn uống, thở hoặc nuốt khó, bệnh nặng, suy nhược hoặc mệt mỏi, sốt kéo dài hơn ba ngày...
Người bệnh cũng nên đi khám nếu có các triệu chứng của áp xe quanh amidan. Loại áp xe này hình thành khi một nhiễm trùng do vi khuẩn lây lan từ amidan bị nhiễm trùng sang khu vực xung quanh nó. Các triệu chứng như đau họng dữ dội có thể nặng hơn ở một bên, sưng bên trong miệng và cổ họng, khó nói, khó nuốt, có vấn đề về hô hấp, khó mở miệng, sưng hạch bạch huyết, sốt và ớn lạnh, đau tai hoặc đau cổ bên cổ họng bị đau.
Nếu không điều trị, áp xe quanh amidan có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và khó thở nghiêm trọng nguy hiểm tính mạng.
Nguyễn Huyền (Theo Medicalnewstoday)