Gần đây, con gái tôi 4 tuổi, xuất hiện một vết loét nhỏ ở niêm mạc má, hình tròn đỏ gây đau và xót khiến cháu biếng ăn. Tôi đã cho cháu đi khám tại một phòng khám và được bác sĩ chẩn đoán bị viêm loét miệng và có kê thuốc bôi. Bác sĩ nói bệnh này rất dễ nhầm lẫn với bệnh tay chân miệng, cũng thường gặp ở trẻ nhỏ nên tôi rất lo cháu mắc bệnh. Làm sao để phân biệt hai bệnh này? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. (Kim Giao, 34 tuổi, quận 7, TP HCM).
Trả lời:
Dựa vào dấu hiệu của bệnh có thể phân biệt viêm loét miệng với bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phụ huynh đưa con đi khám khi bệnh tay chân miệng đã chuyển sang giai đoạn nặng. Nguyên nhân là do nhiều trẻ nhiễm virus tay chân miệng nhưng lại có biểu hiện không rõ ràng khiến dễ nhầm lẫn với triệu chứng của loét miệng.
Viêm loét miệng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh thường nhẹ với biểu hiện chủ yếu là vết loét nhỏ (đường kính 1-3 mm), xuất hiện từng đám hoặc đơn độc ở niêm mạc má, lợi, môi hoặc dưới lưỡi. Vết loét có hình tròn hoặc bầu dục, ở giữa có màu vàng hoặc xám trắng, bao quanh là quầng màu đỏ.
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét miệng như chấn thương trong vùng miệng do tự cắn vào niêm mạc, thức ăn cứng, vệ sinh răng miệng chưa đúng cách, do nhiệt miệng, thiếu dinh dưỡng, mắc một số bệnh liên quan đến rối loạn hệ thống miễn dịch.
Bệnh tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột gây nên. Có hai họ thường gặp nhất là virus Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71), trong đó EV71 ít gặp nhưng lại gây ra những biến chứng nặng nề hơn. Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, số trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng chủ yếu là do virus EV71 gây ra, trong đó số ca tử vong phổ biến nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 86% các ca trẻ em tử vong vì bệnh tay chân miệng).
Để phân biệt bệnh tay chân miệng với viêm loét miệng, phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu và biểu hiện của hai bệnh. Với viêm loét miệng, bệnh thường có vết loét sâu, có dịch tiết, hay tái phát và thường không kèm với sốt. Với tay chân miệng, ở miệng cũng có những vết loét đỏ tổn thương nhưng thường dạng phỏng nước, đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt. Ngoài ra, khi mắc tay chân miệng, trẻ thường sốt trước đó 1-2 ngày rồi hết sốt, sau đó xuất hiện vết loét. Bên cạnh đó, trẻ còn có những nốt phát ban hay tổn thương dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Khi nghi ngờ con mắc bệnh, ba mẹ cần đưa con đến bác sĩ khám để đánh giá và hướng dẫn theo dõi tiếp.
Bác sĩ đã chẩn đoán con bạn bị viêm loét miệng nên các thuốc dùng trong điều trị bệnh này chủ yếu là chữa triệu chứng nhằm giảm số lượng và kích thước của vết loét, giảm đau, giúp vết thương mau lành, giảm khả năng tái phát của bệnh. Để điều trị bệnh viêm loét miệng, bạn có thể dùng một số thuốc dưới dạng gel, thuốc bôi hoặc dung dịch bôi có thể được chỉ định dùng tại vết loét như kem bôi có chứa triamcinolone acetonide hoặc amlexanox (aphthasol); gel 2% lidocaine dùng bôi chỗ loét. Vết viêm loét thường lành thương tổn trong vòng 3-7 ngày.
Bạn cần lưu ý giữ vệ sinh cẩn thận cho con và cả người chăm sóc sẽ hạn chế tình trạng bệnh nặng hơn và giúp quá trình điều trị đạt kết quả nhanh chóng hơn. Chúc con bạn mau khỏe, nên đi khám nếu bệnh có những biểu hiện nghi ngờ hoặc chuyển nặng như sốt trên hai ngày, sốt cao trên 39 độ không đáp ứng thuốc hạ sốt, ngủ bị giật mình chới với, bé nôn ói nhiều, bé đừ hơn.
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Để đặt lịch khám với các bác sĩ Tai Mũi Họng, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, độc giả có thể liên hệ:
Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hotline: 1800 6858
TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 0287 102 6789
Website: https://tamanhhospital.vn
Fanpage: facebook.com/benhvientamanh