Bên cạnh biếng ăn sinh lý, trẻ có thể biếng ăn do yếu tố tâm lý. Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, hàng ngày đơn vị tiếp nhận hàng chục ca trẻ biếng ăn tâm lý đến khám. Đa số trường hợp xảy ra với nhóm trẻ dưới 6 tuổi.
Các dấu hiệu nhận biết thường gặp của trẻ biếng ăn tâm lý bao gồm: trẻ thường khóc, chạy trốn khi thấy thức ăn; có biểu hiện buồn nôn khi thấy thức ăn; ngậm thức ăn quá lâu không chịu nuốt; không chịu ăn hết bữa, bữa ăn kéo dài hơn 30 phút.
Ngoài ra, để xác định trẻ có thật sự biếng ăn hay không, cha mẹ căn cứ thêm vào các chỉ số sau đây: lượng thức ăn trong một ngày của trẻ ít hơn 1/2 lượng thức ăn theo khuyến nghị của bác sĩ; trẻ hay bị táo bón (đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần), lượng phân ít và khô cứng; cân nặng không thay đổi trong vòng 3 tháng liên tục, trẻ tăng cân chậm hơn bình thường, thậm chí sụt cân.
Bác sĩ Duy Tùng cho biết thêm, trẻ biếng ăn tâm lý thường do các yếu tố từ môi trường, cách chăm sóc của cha mẹ chưa đúng cách. Ví dụ, bố mẹ hay la mắng, tạo áp lực, quát nạt và đe dọa con khi ăn bằng các hình phạt,... có thể khiến bé có cảm xúc không tốt với đồ ăn. Nhiều cha mẹ thấy con biếng ăn thường hứa hẹn để dụ dỗ trẻ ăn uống bằng các thiết bị điện tử. Lâu dần, trẻ sẽ sinh ra phản xạ phụ thuộc, nếu không được chơi điện thoại thì trẻ sẽ không ăn nữa.
Thay đổi môi trường sống như học ở trường mới, đổi người giúp việc mới, chuyển đến nơi khác sinh sống... cũng có thể khiến trẻ biếng ăn do cảm giác bỡ ngỡ, ức chế trẻ bài tiết các men tiêu hóa.
Cách xử lý khi trẻ biếng ăn tâm lý
Theo bác sĩ Duy Tùng, mỗi loại hình biếng ăn khác nhau sẽ có những cách khắc phục khác nhau. Đối với biếng ăn tâm lý, cách khắc phục hiệu quả là ba mẹ cần thay đổi thói quen, hành vi, phương pháp khi chăm sóc bé.
Cụ thể cha mẹ cần tạo môi trường ăn thoải mái, cho bé cầm nắm và lựa chọn các loại thức ăn, không nên thúc ép hay cáu gắt với trẻ; không nên cho bé xem ti vi, điện thoại trong lúc ăn để tránh mất tập trung; đa dạng thực đơn; trình bày món ăn đẹp mắt để kích thích trí tò mò và niềm hứng khởi của trẻ khi ăn uống.
Phụ huynh tránh cho trẻ ăn vặt trước bữa chính vì có thể khiến trẻ no ngang, bỏ bữa; thường xuyên khen thức ăn ngon, vui đùa với trẻ. Với những bé khó uống thuốc, không nên trộn thuốc vào thức ăn để "đánh lừa" trẻ. Có thể muỗng đầu tiên trẻ ăn, nhưng bắt đầu từ muỗng thứ 2 trẻ sẽ không ăn nữa và luôn trong trạng thái... cảnh giác với thực phẩm lạ. Bé nên ăn cùng mâm với gia đình để trẻ cảm nhận không khí vui vẻ.
Nếu bé biếng ăn tâm lý là vì các nguyên nhân khách quan, cha mẹ nên ân cần, kiên nhẫn động viên con ăn nhiều hơn để bé không cảm thấy xa lạ với môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, để trẻ không bị thiếu hụt dinh dưỡng khi biếng ăn tâm lý, phụ huynh nên đảm bảo có đủ 4 nhóm dưỡng chất chính (chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất) trong chế độ ăn của trẻ. Đồng thời, gia đình nên đa dạng hóa các loại thực phẩm giúp trẻ sớm cải thiện tình trạng biếng ăn tâm lý.
Ba mẹ nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để nhận tư vấn cụ thể, chuyên sâu, phù hợp hơn với tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe cá biệt của từng trẻ, tránh áp dụng chung chung, bác sĩ Tùng cho biết thêm.
Thư Nguyễn