Viện Ung thư quốc gia Mỹ thống kê khoảng 84.000 người được phát hiện mắc ung thư bàng quang mỗi năm; nghĩa là 2,4% số người sẽ bị ung thư bàng quang trong suốt cuộc đời của họ. Trong khi đó, nhiễm trùng bàng quang phổ biến hơn ung thư bàng quang. Khoảng 40-60% phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Triệu chứng
Những triệu chứng của ung thư bàng quang và viêm bàng quang khá giống nhau vì đều gây ra những thay đổi khi đi tiểu. Tuy nhiên vẫn có những điểm có thể phân biệt được.
Triệu chứng chính của viêm bàng quang là cảm giác nóng rát khi đi tiểu hoặc có cảm giác phải đi tiểu ngay nhưng sau đó chỉ ra một lượng nước rất ít. Trong khi đó, hai triệu chứng phổ biến nhất của ung thư bàng quang là sự thay đổi màu sắc của nước tiểu và tiểu ra máu. Ung thư bàng quang khiến nước tiểu có sự thay đổi màu sắc, có thể là màu cam, hồng, nâu, đỏ sẫm hay đỏ tươi; nguyên nhân do có máu trong nước tiểu.
Một số triệu chứng thường gặp khác của ung thư bàng quang gồm: đi tiểu nhiều dù bàng quang không bị đầy; đau (bỏng rát, khó chịu) khi đi tiểu; đau ở dưới lưng hoặc giữa hay một bên lưng; mất kiểm soát tiểu; khó khăn để bắt đầu tiểu; cảm giác có gì đó chặn dòng chảy nước tiểu.
Nguyên nhân
Viêm bàng quang (nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu) là tình trạng vi khuẩn từ các bộ phận khác của cơ thể xâm nhập vào đường tiết niệu. Ở phụ nữ, vi khuẩn này thường xâm nhập từ âm đạo hoặc ruột. Ở nam giới, viêm bàng quang thường do phì đại tuyến tiền liệt. Nếu không điều trị, tình trạng viêm bàng quang có thể lây lan đến thận, gây nhiều đau đớn.
Ung thư bàng quang là tình trạng các tế bào của niêm mạc bàng quang phát triển không kiểm soát, bắt đầu lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Sự phát triển của ung thư làm gián đoạn hoạt động bình thường của bàng quang.
Chẩn đoán
Ung thư bàng quang và viêm bàng quang có thể được phát hiện qua thăm khám lâm sàng và các chẩn đoán cận lâm sàng.
Để chẩn đoán viêm bàng quang, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm nước tiểu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng. Các xét nghiệm này sẽ kiểm tra sự tồn tại vi khuẩn trong bàng quang hay đường tiết niệu; kiểm tra hệ thống miễn dịch có đang chống lại nhiễm trùng hay không. Bác sĩ có thể có chỉ định cấy nước tiểu để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng; nội soi bàng quang, xét nghiệm niệu động học xác định chính xác tình trạng viêm bàng quang.
Trong khi đó, khi nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư bàng quang, bác sĩ có thể khám bên trong âm đạo hoặc trực tràng nhằm phát hiện sự tồn tại của khối u trong vùng xương chậu. Bác sĩ có thể có chỉ định chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch để khảo sát bất thường của thận, niệu quản và bàng quang. Bệnh nhân cũng được chỉ định nội soi bàng quang kết hợp sinh thiết để tìm các dấu hiệu của ung thư.
Điều trị
Viêm bàng quang thường được điều trị bằng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên kết hợp dùng kháng sinh có thể giúp nhanh chóng đẩy lùi tình trạng viêm. Người bệnh có thể chườm nóng để giảm cảm giác đau rát ở lưng và bụng.
Ung thư bàng quang được điều trị bằng các phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch và thuốc nhắm trúng đích. Bác sĩ có thể đưa ra phác đồ kết hợp nhiều phương pháp điều trị.
Phòng ngừa
Viêm bàng quang có thể được phòng ngừa bằng một số cách như cân nhắc thay đổi biện pháp tránh thai; uống đủ nước; đi tiểu sau khi quan hệ tình dục; vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau quan hệ; mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí...
Việc phòng ngừa ung thư bàng quang lại khó khăn hơn vì gene cũng ảnh hưởng đến nguy cơ bị bệnh. Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố nguy cơ ung thư bàng quang có thể phòng ngừa được, gồm: bỏ hút thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điếu (50% bệnh nhân ung thư bàng quang có tiền sử hút thuốc lá); hạn chế tiếp xúc với sơn, thuốc nhuộm, kim loại hoặc dầu nhớt khi làm việc; tránh nước có chứa asen...
Nhiễm trùng bàng quang thường phổ biến ở nữ hơn nam vì đường niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào đường tiết niệu. Tuy nhiên, nam giới lại có nhiều khả năng ung thư bàng quang hơn nữ giới. Nhiễm trùng bàng quang không thể diễn tiến thành ung thư bàng quang nhưng nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính và lặp đi lặp lại có thể trở thành yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang.
Anh Chi (Theo VeryWellHealth)