Theo TS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Bác sĩ Trưởng Nutrihome Lê Đại Hành, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, chiều cao và cân nặng là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá sự phát triển bình thường của trẻ. Tùy độ tuổi, trẻ sẽ có những chỉ số khác nhau về chiều cao và cân nặng. Thông thường, trẻ 6 tháng tuổi sẽ đạt mức cân nặng trung bình khoảng 7,2kg với bé gái và 7,9kg với bé trai. Nếu trẻ có cân nặng nhẹ hơn (khoảng 20%) so với chuẩn chung, điều này có nghĩa trẻ chậm tăng cân.
Trẻ chậm tăng cân nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời, nhất là giai đoạn 5 năm đầu đời, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, trẻ dễ mắc bệnh hơn trẻ có cân nặng bình thường.
Nguyên nhân
Theo bác sĩ Duy Tùng, để khắc phục triệt để tình trạng trẻ chậm tăng cân cần tìm ra nguyên nhân và xử trí kịp thời. Tùy theo độ tuổi của trẻ sẽ có những nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân khác nhau. Trong đó, có do chất và lượng sữa không phù hợp. Với trẻ bú sữa mẹ có thể do mẹ ít sữa, bị mất sữa hoặc sữa không đủ dinh dưỡng do chế độ ăn uống kiêng khem quá mức... Với trẻ bú sữa công thức, có thể do mẹ chọn sữa không hợp với độ tuổi, khẩu vị khiến trẻ lười bú, bú ít so với khuyến nghị. Hoặc mẹ pha sữa quá loãng, quá đặc.
Trẻ chậm tăng cân còn do biếng ăn hoặc mắc các vấn đề bệnh lý ở đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, táo bón, cơ thể kém hấp thu, hay nôn trớ, trào ngược dạ dày, nhiễm ký sinh trùng đường ruột...
Mắc sai lầm trong cách chăm sóc dinh dưỡng, chế biến đồ ăn cho trẻ cũng khiến trẻ chậm tăng cân. Ví dụ, thường xuyên cho trẻ ăn cháo dinh dưỡng nấu sẵn, cho trẻ ăn quá nhiều đạm, lạm dụng nước hầm xương để nấu cháo, chế biến món ăn cho trẻ...
Một nguyên nhân khác dẫn đến chậm tăng cân ở trẻ là cơ thể trẻ bị thiếu vitamin và khoáng chất. Thực tế, có không ít trường hợp bé chậm tăng cân, thấp bé so với các bạn cùng tuổi là do chế độ ăn uống hàng ngày không đảm bảo hoặc thiếu hụt các vitamin và khoáng chất quan trọng như sắt, kẽm, canxi, kali, vitamin A, B, D...
Cách xử trí
Bác sĩ Duy Tùng cho biết, tình trạng trẻ chậm tăng cân hoặc không tăng cân được xác định trong khoảng thời gian 3 tháng liên tục. Bố mẹ có thể tham khảo bảng chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bằng cách tự cân cho trẻ tại nhà hoặc đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể nhận biết tình trạng chậm tăng cân qua việc trẻ thường xuyên mệt mỏi, lười bú, biếng ăn, da xanh xao, tay chân gầy guộc...
Mặc dù chậm tăng cân không phải là bệnh, nhưng là yếu tố quan trọng để đánh giá sức khỏe, sự tăng trưởng, phát triển toàn diện của một đứa trẻ. Vì vậy, chậm tăng cân nếu không phát hiện sớm, có giải pháp phục hồi sẽ khiến trẻ suy dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và trí não.
Bác sĩ Duy Tùng khuyến cáo, các phụ huynh nên đa dạng và cân đối chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ. Cụ thể:
Với trẻ bú mẹ hoàn toàn: nên xây dựng chế độ ăn uống hợp lý sau sinh, cho trẻ bú đều đặn cách 2 - 3 tiếng/lần nhằm đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ phát triển.
Với trẻ bú sữa công thức: cần chú ý lựa chọn loại sữa phù hợp với độ tuổi và khẩu vị để kích thích trẻ bú, hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
Với trẻ ăn dặm: nên xây dựng thực đơn đa dạng các loại thực phẩm, bên cạnh đó cần chú ý cách chế biến món ăn tránh mất tối đa dưỡng chất, tránh ép bé ăn quá nhiều so với nhu cầu cơ thể cần...
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên thực hiện tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng lần với trẻ trên 2 tuổi. Bởi nếu trong cơ thể trẻ có giun sán chúng sẽ "hút" nhiều chất dinh dưỡng gây thiếu hụt dưỡng chất, dẫn đến trẻ mệt mỏi, biếng ăn, chậm phát triển...
Đặc biệt, cần khuyến khích trẻ vận động và thường xuyên theo dõi tốc độ tăng trưởng của trẻ. Đồng thời, tư vấn thêm ý kiến chuyên gia để biết các mốc cân nặng chuẩn mà trẻ cần đạt được theo chuẩn chung của WHO hoặc Bộ Y tế, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp.
Tăng cường bổ sung thêm vitamin, khoáng chất cho trẻ. Bổ sung đúng cách vitamin D, canxi, kẽm, sắt, đồng, kali... vừa giúp cải thiện cân nặng của trẻ hiệu quả, vừa hạn chế nguy cơ trẻ bị còi xương, thấp bé, tăng phát triển trí tuệ.
"Những hướng dẫn chung là cách để phụ huynh tham khảo và có điều chỉnh bước đầu cho con. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng bé chậm tăng cân, không tăng cân, ba mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám dinh dưỡng để có hướng xử trí cá thể hóa, phù hợp cho từng trường hợp của trẻ", bác sĩ Duy Tùng cho biết.
Ngọc Lan