Cổ tử cung khỏe mạnh là một phần quan trọng trong chương trình chăm sóc sức khỏe của phụ nữ. Bằng cách thực hiện một vài biện pháp đơn giản, hầu hết phụ nữ có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe cổ tử cung như chứng loạn sản cổ tử cung hoặc ung thư cổ tử cung.
Xét nghiệm
HPV được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Chăm sóc dự phòng và tầm soát để phát hiện HPV là điều quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Có hai phương pháp chính để tầm soát ung thư cổ tử cung, bao gồm:
Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung là một xét nghiệm sàng lọc nhằm tìm kiếm những thay đổi bất thường ở cổ tử cung cho thấy ung thư hoặc những thay đổi có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Trong hầu hết các trường hợp, ung thư cổ tử cung mất nhiều năm để phát triển, xét nghiệm tế bào cổ tử cung thường xuyên sẽ phát hiện những dấu hiệu lâu năm này trước khi chúng trở thành ung thư. Tần suất xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung ở mỗi phụ nữ là khác nhau, vì vậy không chắc chắn hoặc chưa từng mắc bệnh, bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn để có những hướng dẫn về xét nghiệm này.
Lựa chọn khác là làm xét nghiệm HPV. Xét nghiệm HPV kiểm tra hai chủng HPV 16 và 18, nguyên nhân gây ra khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Nếu HPV 16 hoặc 18 được phát hiện thì nên soi cổ tử cung. Soi cổ tử cung là thủ thuật phóng đại cổ tử cung để bác sĩ có thể quan sát tốt hơn các tế bào bất thường và lấy sinh thiết nếu cần.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) khuyến cáo, phụ nữ nên làm xét nghiệm HPV, thay vì xét nghiệm Pap (còn được gọi là xét nghiệm Pap smear). Thông qua Pap, bác sĩ có thể quan sát thấy những thay đổi trong các tế bào cổ tử cung, dự báo nguy cơ có thể biến thành ung thư thực sự. Phụ nữ được khuyên thực hiện xét nghiệm Pap mỗi 5 năm một lần, bắt đầu từ 25 tuổi và tiếp tục đến 65 tuổi. Xét nghiệm Pap thường xuyên hơn (ba năm một lần) được khuyến cáo đối với những người không được tiếp cận với xét nghiệm HPV.
Hiệp hội Ung thư Mỹ cho rằng, nhiều phụ nữ chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe cổ tử cung của mình, bằng chứng là việc khám để theo dõi phết tế bào cổ tử cung, soi cổ tử cung và các phương pháp điều trị khác thường không được nhiều người thực hiện. Để phòng tránh ung thư cổ tử cung, chị em nên chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của mình, tin tưởng vào bác sĩ và tìm hiểu đầy đủ thông tin về bệnh.
Tiêm vaccine HPV
Phụ nữ bị nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao phát triển chứng loạn sản cổ tử cung. Khi không được theo dõi và không được điều trị, chứng loạn sản cổ tử cung có nguy cơ cao phát triển thành ung thư cổ tử cung.
Gardasil 9, vaccine HPV duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận tiêm cho phụ nữ từ 9-45 tuổi để phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác do các chủng HPV gây ra. Ở độ tuổi khác nhau, hiệu quả của Gardasil 9 sẽ khác nhau.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo, bé gái nên tiêm phòng HPV hai liều ở tuổi 11 hoặc 12, hai liều cách nhau dưới 5 tháng, người trên 14 tuổi có thể sẽ cần tiêm thêm liều thứ ba.
Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) khuyến nghị, trẻ em gái và cả trẻ em trai 9-12 tuổi nên được tiêm liều vaccine HPV đầu tiên. Người đến 26 tuổi chưa tiêm liều đầu tiên vaccine HPV vẫn có thể bắt đầu tiêm chủng loại vaccine này.
Tình dục an toàn
Thực hiện quan hệ tình dục an toàn không chỉ tránh mang thai ngoài ý muốn mà còn giúp ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có thể khiến cổ tử cung không khỏe mạnh. HPV là một loại virus phổ biến lây truyền qua đường quan hệ tình dục, nhiều khi tiếp xúc da cũng có thể lây nhiễm loại virus này. Mặc dù việc dùng bao cao su không ngăn chặn lây nhiễm virus HPV 100% nhưng vẫn có thể tránh được sự lây lan của virus này.
Ung thư cổ tử cung hiếm khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu. Phụ nữ nên theo dõi sức khoẻ và đi khám nếu xuất hiện các vấn đề về cổ tử cung như đau khi quan hệ tình dục, chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục, chảy máu âm đạo bất thường (kinh nguyệt ra nhiều, chảy máu giữa các kỳ kinh), tiết dịch âm đạo.
Mai Cát
(Theo Very well Health)