Trả lời:
Xóa xăm là thủ thuật loại bỏ những hạt mực xăm dưới da. Kỹ thuật phổ biến dùng để xóa xăm gồm can thiệp ngoại khoa, mài mòn da, laser...
Với phương pháp tác động bằng tia laser, các hạt mực xăm bên trong da bị phá vỡ, được hệ miễn dịch loại bỏ. Hình xăm phai dần theo thời gian. Mỗi màu mực khác nhau hấp thụ laser có bước sóng khác nhau.
Laser xóa xăm được nhiều người chọn bởi an toàn, thực hiện nhanh, ít đau, hiếm để lại sẹo, hiệu quả ngay với hình xăm không chuyên nghiệp. Phương pháp này cần nhiều lần trị liệu tùy vào đáp ứng của hình xăm. Sau thủ thuật, da có thể sưng, phồng rộp hoặc chấm xuất huyết nhưng không đáng kể.
Can thiệp ngoại khoa loại bỏ phần da có hình xăm bằng phẫu thuật. Bác sĩ khâu da lại sau khi đã loại bỏ vùng xăm hoặc ghép da nếu mảng da có hình xăm quá lớn. Kỹ thuật này chỉ thực hiện một lần, hiệu quả với hình xăm nhỏ. Hình xăm biến mất nhưng nguy cơ để lại sẹo, cần nhập viện để gây tê, gây mê.
Với phương pháp mài mòn da, bạn sẽ thấy đau ở vùng da xóa xăm và mất 2-3 tuần để thương tổn phục hồi. Hiệu quả kém hơn laser, có thể để lại sẹo hoặc rối loạn sắc tố da.
Lột da hóa học là phương pháp xóa xăm tại nhà, bằng cách thoa axit trichloroacetic lên vùng da cần điều trị. Lớp da bong tróc, mực xăm được loại bỏ theo. Kỹ thuật này thực hiện nhanh, tùy nồng độ axit mà thương tổn phục hồi nhanh hay chậm. Hiệu quả thấp, có thể bỏng da hoặc để lại sẹo, nhiễm trùng, rối loạn sắc tố da.
Trên thị trường có sẵn các loại kem xóa xăm nhưng không hiệu quả so với các phương pháp khác. Kem thoa khiến lớp trên cùng của da bong tróc nhằm làm mờ hoặc giảm màu sắc hình xăm. Hầu hết sản phẩm này chứa axit nên có thể kích ứng hoặc làm bỏng da, hiệu quả không cao. Hiện chưa có loại kem nào được chấp nhận để điều trị xóa xăm.
Mỗi phương pháp xóa xăm có ưu và nhược điểm riêng. Tuy nhiên, chưa có phương pháp xóa xăm tại nhà hiệu quả, an toàn. Xóa xăm bằng kem, hóa chất nếu thực hiện không đúng kỹ thuật có nguy cơ kích ứng, để lại sẹo cao. Vùng da có thể nhiễm trùng, thay đổi màu, đau, sưng, đỏ, phát ban. Bạn nên đến cơ sở uy tín khám để bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da tư vấn, điều trị.
ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thắc mắc về bệnh da liễu, thẩm mỹ da, gửi câu hỏi tại đây để bác sĩ giải đáp.