Trả lời:
Sau khi bạn được chuyển phôi vào lòng tử cung, phôi bắt đầu làm tổ trên niêm mạc tử cung, các tế bào của nhau thai tiết ra một loại hormone có tên HCG. HCG cho phép tổng hợp progesterone và estrogen, hỗ trợ nội mạc tử cung, báo hiệu khởi đầu cho quá trình mang thai.
Nồng độ HCG thường tăng gấp đôi sau mỗi 48-72 giờ, đạt cực đại ở tuần thai thứ 8-10, sau đó giảm và ổn định trong suốt thai kỳ. Do đó, xét nghiệm định lượng beta HCG trong máu hoặc nước tiểu là một trong những căn cứ để xác định phụ nữ có mang thai hay không dù chưa có dấu hiệu rõ ràng như đau ngực, đi tiểu nhiều lần, buồn nôn, đầy hơi, đau lưng, ốm nghén...
Có thể phát hiện beta HCG bằng cách xét nghiệm máu khoảng 11 ngày sau khi chuyển phôi và xét nghiệm nước tiểu sau khoảng 12-14 ngày. Hầu hết các trường hợp phôi làm tổ thành công thì nồng độ này tăng cao. Nồng độ beta HCG trên 25 mlU/ml là đã có thai, trong khoảng 5-25 mlU/ml chưa thể kết luận có thai hay không, dưới 5 mlU/ml cho kết quả không có thai.
Nếu chưa thể xác định có thai, bác sĩ chỉ định xét nghiệm lại sau 48-72 giờ tiếp theo để xem nồng độ HCG có tăng lên không. Đây cũng là cách loại trừ các trường hợp có thể gây dương tính giả. Những loại thuốc thuốc chứa HCG được sử dụng để điều trị vô sinh có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Dù mong kết quả sớm sau khi chuyển phôi nhưng để chắc chắn hơn, phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm beta HCG sau khi chậm kinh. Để kiểm soát tốt thai kỳ và phát hiện sớm những bất thường của thai ở giai đoạn đầu, bác sĩ có thể cho thai phụ xét nghiệm nhiều lần. Nồng độ hormone HCG trong máu người mẹ không chỉ để xác định có đang mang thai hay không mà còn tầm soát các dị tật bẩm sinh của thai nhi.
Sau chuyển phôi, phụ nữ nên đi lại nhẹ nhàng, tránh nằm yên tại chỗ. Tránh rượu, bia, thuốc lá, cà phê, các chất kích thích, kiêng quan hệ tình dục trong khoảng 10-14 ngày sau chuyển phôi, vì có thể gây ra những cơn thắt tử cung, ảnh hưởng đến việc phôi bám và làm tổ.
Bạn chuyển phôi hai tuần trước, beta HCG 153 mlU/ml là đã có thai. Bạn nên nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng như đi bộ, thiền, yoga... Nên bổ sung thực phẩm giàu protein (thịt heo, bò, dê, gà, vịt; cá; trứng; sữa, các loại đậu...), giàu carbohydrate và chất béo tốt. Ăn nhiều thực phẩm chống viêm, bổ máu, rau, uống nhiều nước để tránh táo bón, có lợi cho thai phụ. Khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đăng Khoa
Trưởng đơn vị Nam học, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |