Đờm là chất nhầy, thường được tạo ra trong đường hô hấp. Nó giữ cho đường thở không bị khô và tạo lớp màng bảo vệ tự nhiên, hỗ trợ cơ thể chống lại những tác nhân xâm nhập từ bên ngoài.
Dị ứng, hút thuốc hay nhiễm trùng có thể khiến đờm tích tụ nhiều hơn, dẫn đến tắc nghẽn đường thở hay các vấn đề nghiêm trọng hơn ở phổi. Dưới đây là một số cách hỗ trợ loại bỏ đờm dư thừa hoặc thoát ra ngoài nhanh hơn.
Tránh hút thuốc và khói thuốc
Hút thuốc lá và tiếp xúc khói thuốc thụ động có thể khiến cơ thể tiết ra nhiều đờm hơn. Người hút nên cai thuốc lá để bảo vệ sức khỏe tổng thể. Hạn chế đến nơi có nhiều người hút thuốc cũng có lợi trong việc giảm đờm khi bị ốm, dị ứng, cảm lạnh.
Uống đủ nước
Uống đủ nước là một trong những cách đơn giản để loại bỏ đờm tự nhiên. Chất lỏng giúp làm loãng chất nhầy, ngăn chúng tích tụ trong cổ họng và dễ dàng ra ngoài khi ho. Người trưởng thành cần uống 1,8-2 lít nước mỗi ngày. Ngoài nước lọc, trà và đồ uống khác, ăn nhẹ bằng các thực phẩm cung cấp nước như súp hoặc trái cây cũng hỗ trợ làm sạch lượng đờm trong cổ họng.
Tránh tiếp xúc với khói bụi
Người có xu hướng dị ứng hoặc mắc bệnh hen suyễn nên tránh tiếp xúc với khói, bụi. Các tác nhân này làm cho quá nhiều chất có hại đi vào phổi và gây ra các vấn đề như đờm đông đặc hoặc chất nhầy chảy từ sau mũi xuống cổ họng, khiến ho dai dẳng.
Xông hơi
Đờm do chảy nước mũi có thể được kiểm soát bằng cách hít hơi nước. Cách làm này cũng góp phần giảm sản xuất đờm ở ngực. Để thực hiện, bạn trùm chăn kín người và nồi xông. Đầu nghiêng sang một bên tránh hơi nước nóng phả mạnh vào mặt. Thời gian xông khoảng 10-20 phút. Xông hơi bằng nước muối hay một số loại lá có tinh dầu như sả, chanh, bưởi, bạc hà, trầu không... giúp làm loãng chất nhầy và dịu đường mũi, họng bị kích ứng.
Súc miệng bằng nước muối ấm
Súc miệng bằng nước muối cũng có tác dụng làm loãng chất nhầy, thông họng. Thêm 2-3 thìa muối vào một cốc nước ấm. Nhấp một ngụm nước muối và súc miệng trong vài giây với tư thế ngửa đầu về phía sau cho nước muối đi sâu xuống họng. Giữ ít nhất 30 giây và khò liên tục, nhổ bỏ. Lặp lại quá trình này thường xuyên nếu cần thiết trong ngày, khoảng 2-3 giờ một lần. Biện pháp này còn góp phần ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Uống trà bạc hà
Thức uống này chứa tinh dầu bạc hà, có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh, cúm như ho, đờm, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu. Trà bạc hà cũng có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus và chống viêm, giúp cơ thể phục hồi nhanh sau cảm lạnh.
Bảo Bảo (Theo Health Shots, Times of India)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |