Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, dễ lây lan, ảnh hưởng đến mũi, họng, xoang, khí quản. Triệu chứng gồm ho, đau nhức người, đau họng, mệt mỏi, chảy nước mũi...
Có hơn 200 loại virus có thể gây ra bệnh cảm lạnh, điển hình như rhinovirus, adenovirus... Cảm lạnh cũng thường xảy ra do dị ứng, thay đổi thời tiết đột ngột. Một số thay đổi lối sống có thể giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng, tăng cường hệ miễn dịch để mau khỏi ốm.
Đi ngủ đủ giấc: Hệ thống miễn dịch suy yếu khi thiếu ngủ, khiến cơ thể chống lại vi trùng khó khăn hơn. Người bệnh nên ngủ sớm hơn (trước 22h) và ngủ thêm giấc trưa ngắn trong ngày. Dùng gối cao hoặc kê cao đầu bằng vật mềm để giảm áp lực xoang, bớt nghẹt mũi và thở dễ hơn.
Uống nhiều nước: Làm loãng chất nhầy, bớt nghẹt mũi, ngăn ngừa đau đầu và mệt mỏi do mất nước. Uống hơn hai lít nước mỗi ngày như nước lọc, nước dùng, nước trái cây nguyên chất khi ốm. Hạn chế nước ngọt, cà phê, rượu và đồ uống chứa caffein vì chúng dễ làm mất nước.
Súc miệng bằng nước muối: Muối có khả năng sát khuẩn góp phần dịu cơn đau họng, giảm sưng tấy và làm lỏng chất nhầy. Người bệnh cảm lạnh có thể khuấy 1/4 đến 1/2 thìa muối vào 200 ml nước ấm cho đến khi muối tan, súc miệng và họng 2-3 lần trong ngày.
Uống một thìa mật ong: Mật ong có tính sát khuẩn cao làm dịu cơn ho và giảm viêm. Mật ong dễ kết hợp với trà, nước chanh, cam hoặc nước ấm. Không cho trẻ nhỏ dưới một tuổi uống mật ong do dễ ngộ độc.
Tắm nước nóng: Hít hơi nước góp phần giảm nghẹt mũi, dịu cổ họng, thư giãn các cơ đau nhức.
Nhấm nháp đồ uống nóng: Hỗ trợ thông mũi, cải thiện triệu chứng cảm lạnh như đau họng, mệt mỏi. Người bệnh có thể thử các loại đồ uống nóng như trà thảo mộc không chứa caffein, nước dùng ấm, canh hoặc súp.
Ăn súp gà: Món ăn có lợi cho người ốm để tăng sức đề kháng và miễn dịch, hồi phục nhanh hơn. Súp gà có thể giảm tình trạng viêm, protein và calo trong thịt gà cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Nghỉ ngơi: Cơ thể phải làm việc nhiều hơn để chống lại nhiễm trùng nên cần nhiều năng lượng hơn bình thường. Người bệnh nên nghỉ ngơi ở nhà thay vì đi làm, đi học, tạm dừng công việc cho đến khi cảm thấy khỏe hơn.
Viên ngậm trị đau họng: Một số loại viêm ngậm thảo mộc như kẹo ngậm gừng mật mong, cam, quế chứa các thành phần có thể làm dịu cơn ho do cảm lạnh.
Nếu cảm lạnh kéo dài, kèm theo triệu chứng như mệt mỏi, lì bì, sốt, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc trong trường hợp cần thiết.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |