Hóa trị, xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư, quá trình này cũng phá hủy các tế bào bình thường. Chúng có thể gây ra vết loét trong miệng, cổ họng bị đau. Cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng. Đường tiêu hóa có thể bị kích thích, gây buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Bệnh nhân ung thư cũng có thể cảm thấy ăn uống mất ngon, khó ngủ, rụng tóc...
Tác dụng phụ của ung thư có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Thông thường, những tác dụng phụ có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng và có thể được cải thiện khi dừng điều trị, cơ thể khỏe hơn.
Dưới đây là một số gợi ý để bệnh nhân ung thư cảm thấy dễ chịu khi gặp tác dụng phụ do điều trị.
Tiêu chảy
Tiêu chảy thường xảy ra trong quá trình điều trị và có thể tiếp tục sau khi điều trị ung thư. Bệnh nhân có thể bị đầy bụng, chuột rút, phân loãng hoặc lỏng, tiêu chảy...
Hóa trị có thể khiến bệnh nhân tạm thời không dung nạp lactose. Nếu bạn nhận thấy tiêu chảy nhiều hơn hoặc phân lỏng khi uống sữa hoặc dùng các sản phẩm từ sữa, bạn có thể giảm hoặc cắt bỏ các loại đồ uống này. Trường hợp bạn bị tiêu chảy hơn hai hoặc ba lần mỗi ngày hoặc chất nhầy, máu khi đi đại tiện thì bạn nên chia sẻ với bác sĩ điều trị. Bác sĩ có thể hướng dẫn dùng thuốc chống tiêu chảy không kê đơn để kiểm soát tiêu chảy nhẹ.
Một số gợi ý để cải thiện tiêu chảy như uống khoảng hai lít nước mỗi ngày, chọn đồ uống không có caffeine chẳng hạn như nước trái cây. Ăn trái cây và rau đã nấu chín, gọt vỏ hoặc đóng hộp. Tránh trái cây hoặc rau có vỏ hoặc hạt như quả mọng, nho, bắp cải, bông cải xanh, ngô, đậu Hà Lan... vì chúng có thể gây đầy hơi.
Chia nhỏ các bữa ăn, nhai kỹ, dùng thức ăn ấm thay vì quá nóng hoặc quá lạnh; tránh đồ cay, chứa nhiều chất béo. Nếu vùng trực tràng của bạn bị đau do đi đại tiện thường xuyên hoặc cảm thấy ngứa, rát, đau có thể thử ngâm mình trong bồn nước ấm.
Buồn nôn và nôn mửa
Hóa trị và xạ trị có thể khiến bạn buồn nôn và nôn. Buồn nôn có thể kéo dài từ vài giờ đến vài tuần sau khi điều trị. Bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc để làm giảm các tác dụng phụ này nếu tình trạng nặng.
Người bệnh không nên để bụng đói vì buồn nôn thường tồi tệ hơn nếu dạ dày trống rỗng. Bạn có thể chia nhỏ bữa ăn, không trộn thức ăn nóng và lạnh, ăn hoặc uống nước quá nhanh vì dễ gây buồn nôn, nôn mửa.
Tránh ăn những thức ăn khó tiêu hóa như thức ăn cay, chiên hoặc thức ăn giàu chất béo khác. Tránh đánh răng 2 giờ sau khi ăn để tránh cảm giác buồn nôn. Bạn nên nghỉ ngơi sau khi ăn, trường hợp cần thiết phải nằm xuống, hãy nằm nghiêng sang bên phải và giữ đầu cao.
Cố gắng ăn nhiều thức ăn hơn vào một thời điểm trong ngày khi bạn cảm thấy ít buồn nôn hơn. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn khi mới thức dậy có thể ăn hộp bánh quy giòn. Ăn một bữa ăn nhẹ giàu protein như thịt nạc hoặc pho mát trước khi đi ngủ cũng là gợi ý.
Sau mỗi lần nôn mửa, người bệnh có thể súc miệng bằng dung dịch baking soda (một thìa cà phê baking soda pha với 30 ml nước ấm).
Loét miệng
Loét miệng thường gặp sau khi hóa trị, gây khó khăn cho việc ăn uống. Bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách thực hiện chăm sóc răng miệng hàng ngày với bàn chải nhỏ, mềm và kem đánh răng có chứa fluor.
Khi ở nhà, bạn có thể chuẩn bị nước súc miệng bằng baking soda pha với nước ấm. Súc miệng bằng dung dịch này ít nhất 4-6 lần một ngày, đặc biệt là sau bữa ăn và trước khi đi ngủ. Bệnh nhân có thể sử dụng chỉ nha khoa nếu được bác sĩ cho phép.
Bạn nên ăn các thức ăn mềm, lỏng, ăn từ từ, tránh thức ăn giòn như khoai tây chiên và các loại hạt. Uống nước bằng ống hút để dễ nuốt hơn. Không nói chuyện trong khi ăn, tránh ăn hoặc uống các loại thực phẩm và đồ uống có tính axit như cà chua, cam, bưởi, đồ uống có ga... Nếu không thể ăn do lở miệng, bạn có thể chia sẻ cùng bác sĩ để theo dõi tình trạng dinh dưỡng.
Rụng tóc
Các nang tóc rất nhạy cảm với xạ trị và hóa trị nên dễ gãy rụng. Rụng tóc có thể là tạm thời hoặc kéo dài. Bạn nên tránh gội đầu thường xuyên, sử dụng dầu gội nhẹ, gội sạch da đầu bằng nước ấm, tránh cọ xát và không gãi. Sau đó, bạn lau khô bằng khăn mềm.
Tránh chải đầu hoặc chải tóc quá nhiều, sử dụng keo xịt tóc, dầu hoặc kem. Tránh sử dụng các nguồn nhiệt trên tóc như sấy tóc, uốn, nhuộm... Bảo vệ đầu của bạn khỏi nắng, lạnh và gió bằng cách đội mũ che đầu chẳng hạn như mũ lưỡi trai, khăn quàng cổ... Nếu tình trạng rụng tóc tạm thời thì tóc có thể mọc lại khoảng 3-6 tháng.
Mất ngủ, khó ngủ
Nhiều bệnh nhân cảm thấy khó ngủ trong thời gian nằm viện. Người bệnh có thể bị mất ngủ vì khó chịu, buồn nôn, lở miệng hoặc các vấn đề khác. Những thay đổi trong thói quen hàng ngày hoặc căng thẳng do lo lắng cũng có thể là những yếu tố gây ra vấn đề về giấc ngủ.
Bác sĩ có thể được kê đơn thuốc để giúp bạn đi vào giấc ngủ nếu cần thiết. Các biện pháp thư giãn như hít thở sâu, đọc sách hoặc nghe nhạc êm dịu, tập thiền, yoga... rất có ích. Phòng ngủ với nệm, gối mềm giúp tạo cảm giác thoải mái. Tránh ngủ trưa quá nhiều trong ngày, cân bằng hoạt động với nghỉ ngơi. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng, hãy nói chuyện với người bạn đời, bạn bè tin cậy.
Mệt mỏi
Các dấu hiệu cảnh báo mệt mỏi có thể bao gồm mỏi mắt, mỏi chân, mệt mỏi toàn thân, cứng vai, thiếu năng lượng, không thể tập trung, suy nhược, buồn chán...
Cân bằng thời gian nghỉ ngơi và làm việc. Tập thể dục hàng ngày, trong đó đi bộ là cách đơn giản để người bệnh lấy lại năng lượng. Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, quản lý căng thẳng đóng vai trò quan trọng để chống lại sự mệt mỏi. Nghỉ ngơi trước khi bạn bạn cảm thấy mệt mỏi. Khi cảm thấy khó thở tăng lên khi gắng sức, không kiểm soát được, căng thẳng, có biểu hiện trầm cảm, bạn nên đến bác sĩ thăm khám.
Gặp vấn đề về sinh sản
Hóa trị và xạ trị có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục chẳng hạn như thay đổi nội tiết tố, mệt mỏi quá mức, đau...; khả năng sinh sản trong tương lai. Một số phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, nam giới suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng. Cả nam và nữ nên sử dụng biện pháp tránh thai sau khi điều trị. Nếu có kế hoạch sinh con, bạn nên nói chuyện với bác sĩ điều trị để có lời khuyên phù hợp.
Kim Uyên (Theo Cleveland Clinic)