Ung thư vú là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến nam giới, mặc dù hiếm gặp. Theo Medical News Today (Mỹ), một số yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như tiền sử gia đình, tuổi già. Nhưng nam và nữ giới có thể giảm nguy cơ phát triển ung thư vú bằng cách thay đổi lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh. Chụp quang tuyến vú thường xuyên sau tuổi 40 cũng là giúp phát hiện sớm căn bệnh này và điều trị kịp thời.
Các loại thực phẩm giúp giảm rủi ro
Thực phẩm thực vật: Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp Mỹ, có mối liên hệ giữa giảm nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh và chế độ ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và ít carbohydrate tinh chế. Ăn các loại rau không chứa tinh bột, rau và trái cây giàu carotenoid (sắc tố trong thực vật) như việt quất, bắp cải, cà chua... cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú âm tính với thụ thể estrogen.
Chế độ ăn Địa Trung Hải: Theo nghiên cứu trên hơn 22.000 người ở Hy Lạp, chế độ ăn Địa Trung Hải làm giảm tử vong do mọi nguyên nhân, bao gồm cả ung thư vú. Chế độ ăn này cũng giúp giảm tình trạng thừa cân và béo phì, vốn là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư vú.
Một thử nghiệm lâm sàng năm 2015 đăng trên tạp chí JAMA cho thấy, sau khi mãn kinh, những người ăn theo chế độ Địa Trung Hải có bổ sung dầu ô liu nguyên chất giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ác tính so với những người ăn theo chế độ ăn uống có kiểm soát.
Chế độ ăn giàu canxi: Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư thế giới, chế độ ăn giàu canxi có thể bảo vệ chống lại bệnh ung thư vú. Các sản phẩm từ sữa là một nguồn cung cấp canxi, vitamin D và axit linoleic đáng kể, có thể bảo vệ chống lại sự phát triển của ung thư vú.
Các thực phẩm cần hạn chế
Thực phẩm có mối liên hệ cụ thể với bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, tác động tích lũy của chế độ ăn uống kém có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Để ăn uống lành mạnh, Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị hạn chế hoặc loại trừ các loại thực phẩm như thịt đỏ, thịt chế biến, đồ uống có đường, sản phẩm ngũ cốc tinh chế, thực phẩm chế biến, rượu bia.
Thay đổi lối sống tích cực
Thay đổi lối sống có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú như duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Người lớn nên có 150-300 phút tập luyện với cường độ trung bình hoặc 75-150 phút hoạt động thể chất cường độ mạnh mỗi tuần để phòng bệnh ung thư vú. Ngồi hoặc nằm trong thời gian dài xem các thiết bị điện tử có liên quan đến tăng nguy cơ tăng cân, thừa cân và béo phì, có thể góp phần gây ra nguy cơ ung thư vú. Phụ nữ cho con bú làm giảm nguy cơ ung thư vú. Người cho con bú càng lâu thì khả năng bảo vệ chống lại ung thư vú của họ càng cao.
Nguyên nhân chính xác của ung thư vú là không rõ ràng tuy nhiên có thể biết được các yếu tố nguy cơ của căn bệnh này để phòng ngừa.
Yếu tố rủi ro | Ảnh hưởng có thể có đối với nguy cơ mắc ung thư vú |
Giới tính | Nữ giới có nhiều khả năng bị ung thư vú hơn nam giới. Theo các thông tin đăng tải trên Thư viện Y khoa Mỹ, khoảng ít hơn 1% các trường hợp ung thư vú mới xảy ra ở nam giới. |
Tuổi tác | Nguy cơ ung thư vú tăng lên khi già đi, phổ biến nhất ở phụ nữ trên độ tuổi 50. |
Tiền sử bệnh về vú | Người có vấn đề về vú như ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nếu một người bị ung thư vú ở một bên vú sẽ có nguy cơ phát triển bệnh ở bên vú còn lại cao hơn. |
Tiền sử gia đình | Nếu mẹ, chị gái hoặc con gái của một người bị ung thư vú, họ có thể tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. |
Di truyền học | Các đột biến gene di truyền như BRCA1, BRCA2 có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nguy cơ suốt đời của bệnh ung thư vú là 55–65% với những người có đột biến BRCA1, 45–47% đối với đột biến BRCA2 và 12,4% đối với dân số nói chung, theo nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ. |
Mật độ mô vú | Người có mật độ vú cao hơn có thể có nguy cơ ung thư vú cao hơn những người có mật độ vú thấp. |
Kinh nguyệt sớm | Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, những người bắt đầu có kinh trước 11 tuổi có nhiều khả năng bị ung thư vú hơn những người bắt đầu sau 14 tuổi. |
Mãn kinh muộn | Mô vú tiếp xúc với estrogen lâu hơn có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. |
Trọng lượng | Người nặng quá mức trong suốt thời kỳ trưởng thành có thể gây ra ung thư vú sau mãn kinh. |
Rượu bia | Những người uống ba lần đồ uống có cồn mỗi tuần có nguy cơ ung thư vú cao hơn 15% so với những người không uống rượu. |
Bức xạ | Người đang điều trị bức xạ vùng ngực khi còn nhỏ hoặc thanh niên có thể làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư này. |
Kim Uyên
(Theo Medical News Today)