Khó tiêu là tình trạng phổ biến ở trẻ, gây cảm giác khó chịu hoặc đau bụng trên, kèm đầy hơi, buồn nôn, ợ nóng. Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết một số lưu ý về dinh dưỡng, thói quen ăn uống có thể giúp trẻ giảm khó tiêu.
Tránh thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ: Lượng chất béo trong thực phẩm này khó hấp thu và dễ gây quá tải cho hệ tiêu hóa, tiêu chảy.
Khuyến khích trẻ ăn chậm, nhai kỹ: Thói quen này kích thích tiết nước bọt, dịch tiêu hóa, giúp trẻ hấp thu thức ăn dễ dàng. Ăn uống chậm rãi cũng tạo cảm giác no lâu, góp phần hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì.
Không cho trẻ ăn trên đường: Ăn uống quá nhanh hoặc trong trạng thái di chuyển làm tăng nguy cơ đầy hơi và khó tiêu. Ba mẹ khuyến khích trẻ ngồi yên, tập trung vào bữa ăn, nhai kỹ thức ăn.
Nghỉ ngơi sau khi dùng bữa: Trẻ không nên tham gia vào các hoạt động thể chất ngay sau khi ăn bởi có thể làm dạ dày khó tiêu hóa thức ăn. Trẻ cần nghỉ ngơi sau ăn ít nhất một giờ trước khi vận động và không đi ngủ ngay sau khi dùng bữa để giảm nguy cơ trào ngược dạ dày.
Tránh căng thẳng: Căng thẳng làm cơ thể sản xuất các chất như cortisol và adrenaline, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, tăng lượng axit dạ dày, gây đau bụng, trào ngược hoặc tiêu chảy. Ba mẹ cần tạo môi trường thoải mái, tránh áp lực cho trẻ để giảm tình trạng này.
Bác sĩ Trà Phương lưu ý phụ huynh hạn chế cho trẻ ăn nhiều chocolate bởi thực phẩm này chứa caffeine, có thể kích thích ruột, làm nặng thêm triệu chứng khó tiêu. Trẻ nên mặc quần áo thoải mái, không bó sát vùng bụng, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, uống đủ nước, không sử dụng thuốc kháng viêm khi không có chỉ định của bác sĩ.
Phụ huynh đưa bé đi khám khi có biểu hiện mất cảm giác thèm ăn hơn một ngày, giảm cân, khó nuốt, nôn mửa, đi đại tiện hoặc nôn ra máu, đổ mồ hôi không rõ lý do.
Bình An
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |