Amidan là hai khối mô tròn, kích bằng đầu ngón tay, nằm ở hai bên cổ họng, có thể nhìn thấy khi mở miệng rộng. Chúng có vai trò ngăn vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể bằng cách lọc ra các chất lây nhiễm trước khi đi qua cổ họng. Chính điều này khiến amidan dễ bị viêm, nhiễm trùng, gọi là viêm amidan. Các triệu chứng và biến chứng của viêm amidan có thể dẫn đến hơi thở có mùi hôi.
Ngoài viêm nhiễm, trong nhiều trường hợp, mùi hơi thở còn do vi khuẩn xấu tích tụ trên amidan. Quá trình chúng thâm nhập các mô amidan hình thành các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSC), liên quan nhiều nhất đến hôi miệng bao gồm hydro sunfua, metyl, mercaptan, dimetyl sunfua.
Chất thải thực phẩm có nguy cơ mắc kẹt ở hốc amidan. Sự kết hợp của vi khuẩn, mảnh thức ăn và các mô bị nhiễm trùng gây ra phản ứng hóa học dẫn đến mùi hôi rõ rệt. Viêm amidan trong trường hợp nhẹ thường tự khỏi mà không cần điều trị và mùi hôi miệng sẽ hết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mùi hôi vẫn tồn tại trong vài ngày hoặc vài tuần. Dưới đây là một số cách khắc phục tình trạng này.
Dùng thuốc
Một số loại thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn, gây đau dữ dội hoặc viêm amiđan lâu dài. Chúng giúp giảm các triệu chứng bệnh, bao gồm cả hôi miệng. Một số người có nguy cơ kháng thuốc hoặc gặp các tác dụng phụ khó chịu khi dùng kháng sinh. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
Súc miệng
Súc miệng bằng nước ấm, sạch và một chút muối vài lần mỗi ngày có tác dụng giảm đau họng, ngứa cũng như mùi khó chịu. Phương pháp này cũng giúp làm sạch các vùng bị nhiễm trùng để loại bỏ vi khuẩn truyền nhiễm. Dùng sản phẩm không chứa cồn góp phần làm bong sỏi amidan, hạn chế số lượng vi khuẩn trong miệng, đồng thời giảm mùi hôi.
Người bệnh cũng có thể sử dụng nước súc miệng có chất sát trùng như dầu khuynh diệp, bạc hà, giấm táo để hơi thở thơm tho hơn.
Tránh ăn thức ăn cứng
Thực phẩm cứng hoặc thô ráp dễ khiến tổn thương ở amidan nghiêm trọng hơn. Chúng bao gồm bánh quy, khoai tây chiên, đồ chiên rán, các loại hạt. Ưu tiên đồ ăn mềm như cháo, súp để dễ nuốt, tránh tích tụ ở hốc amidan khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn.
Cắt amidan
Nếu các biện pháp trên không hiệu quả hoặc gây khó chịu khi nhai và nuốt, viêm amidan nhiều lần, bác sĩ có thể chỉ định cắt amidan. Sau phẫu thuật, người bệnh thở hoặc nuốt thuận lợi hơn.
Người bệnh vẫn có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác gây hôi miệng như viêm họng hoặc viêm họng liên cầu khuẩn. Do đó, súc miệng thường xuyên và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Bảo Bảo (Theo Medical News Today)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |