Đau tai là cảm giác nghe những tiếng âm ỉ trong tai, tai cảm giác bỏng rát, cơn đau có thể đến dần dần hoặc đột ngột. Đau tai là triệu chứng phổ biến có thể do một số nguyên nhân như nhiễm trùng, chấn thương, đau bắt nguồn từ những nơi khác trên cơ thể như cổ họng, răng... và ảnh hưởng đến tai. Tùy vào nguyên nhân, đau tai có thể xảy ra một bên, cũng có thể đau cả hai bên. Triệu chứng này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
Đau tai với triệu chứng nhẹ không nhất thiết phải đến bệnh viện. Một số mẹo đơn giản tại nhà dưới đây có thể giúp giảm những cơn đau tai cấp tính.
Chườm đá
Sử dụng túi đá làm sẵn trên thị trường hoặc có thể tự làm túi chườm đá tại nhà bằng cách dùng nước lạnh, làm ướt khăn và vắt bớt nước, gấp khăn lại sau đó đặt khăn vào một túi kín (có thể là túi đông lạnh). Tiếp tục đặt túi kín vào ngăn đá tủ lạnh 15 phút. Dùng túi áp vào tai bị ảnh hưởng, thực hiện từ 10-15 phút một lần.
Lưu ý không được đặt đá hoặc túi lạnh trực tiếp lên tai, nên quấn khăn tắm, khăn giấy hoặc một loại màng chắn thích hợp khác trước khi thoa lên da.
Chườm ấm
Bạn có thể sử dụng dụng cụ chườm nóng hoặc có thể tự làm chườm nóng tại nhà. Để tự làm túi chườm nhiệt, bạn cần làm ướt một chiếc khăn với nước ấm và vắt bớt phần nước thừa. Đắp miếng gạc ấm lên tai bị ảnh hưởng, mỗi lần không quá 20 phút.
Chườm nóng giúp cung cấp nhiều máu hơn cho khu vực được chườm. Chườm nóng cũng có thể được xen kẽ với chườm lạnh. Khi chườm nóng, bạn nên lưu ý cẩn thận tránh bị bỏng, nhất là chườm cho trẻ em.
Tỏi sống
Tỏi tươi nghiền nát được xem như một chất kháng khuẩn do tỏi có một phân tử được gọi là allicin. Trong ống nghiệm, allicin đã được chứng minh có đặc tính kháng khuẩn mạnh. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy tỏi cũng có thể giúp chống lại nhiễm trùng bên trong cơ thể.
Một số nghiên cứu cho rằng bổ sung tỏi có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh, một nguyên nhân phổ biến của nhiễm trùng tai. Tuy nhiên, những nghiên cứu này còn nhỏ và cần phải nghiên cứu thêm.
Dầu tỏi
Dầu tỏi có đặc tính kháng khuẩn và đôi khi được dùng làm thuốc nhỏ tai cho bệnh nhiễm trùng tai. Tuy nhiên, do nguy cơ chảy máu liên quan đến việc bổ sung quá nhiều dầu tỏi, nên trước khi sử dụng cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Gừng
Gừng là loại củ thường được dùng làm gia vị trong các món ăn và được coi là loại củ có khả năng kháng khuẩn, chống viêm. Có thể dùng nước gừng bôi lên tai ngoài để giảm đau tai nhưng lưu ý không cho gừng vào tai. Lưu ý không cho gừng, nước gừng, dầu tẩm gừng hoặc bất kỳ gừng tinh chế nào khác vào tai.
Dầu cây chè
Dầu cây chè được sử dụng tại chỗ để điều trị các bệnh về da và có thể được thêm vào bồn tắm hoặc máy xông hơi để giúp chữa các vấn đề về phổi, đau nhức. Mặc dù tinh dầu trà dường như có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm nhưng nó không an toàn để điều trị các bệnh liên quan đến nhiễm trùng tai. Dầu cây chè rất độc khi nuốt do vậy phải tránh xa tầm tay của trẻ em.
Giấm táo
Giấm táo được làm từ nước táo lên men. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nó có đặc tính kháng khuẩn. Người ta thường trộn nước ấm và giấm táo với nhau, sử dụng ống nhỏ giọt, nhỏ một vài giọt (5-10 giọt) vào tai bị ảnh hưởng, nghiêng đầu để giữ hỗn hợp trong tai. Để hỗn hợp ngấm vào tai trong 5 phút trước khi cho chảy ra ngoài.
Do đặc tính kháng khuẩn nên hợp chất giấm táo và nước ấm có thể giúp chữa viêm tai ngoài chẳng hạn như tai của người đi bơi. Nhưng bạn nên lưu ý giấm táo không giúp được viêm tai giữa và nhiễm trùng tai.
Thuốc giảm đau không kê đơn
Thuốc giảm đau không kê đơn là phương pháp điều trị được khuyên dùng để điều trị đau tai kèm theo sốt do nhiễm trùng tai. Liều lượng vào cách dùng phụ thuộc vào loại thuốc, tuổi của người bệnh, cân nặng và các yếu tố giảm nhẹ khác như tiền sử bệnh.
Lưu ý trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến chuyên gia, trẻ dưới 6 tháng có các triệu chứng của nhiễm trùng tai nên đến gặp bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị.
Anh Chi (Theo VeryWellHealth)