Các tác nhân như thay đổi thời tiết, khói bụi, ô nhiễm, lông thú... có thể khiến bạn bị dị ứng. Đau họng là triệu chứng khá phổ biến, tình trạng này thường đi kèm với sưng, ngứa họng, ho khan, khó nuốt, thậm chí là sốt. Điều trị đau họng do nguyên nhân phản ứng dị ứng với hạt trong không khí và phấn hoa thường khó hơn các nguyên nhân khác. Dưới đây là một số cách tự nhiên có thể giúp bạn giảm cảm giác đau họng do dị ứng.
Giảm tác nhân dị ứng: Loại bỏ tác nhân dị ứng là việc đầu tiên nên làm để giảm đau họng và các triệu chứng liên quan khác. Dị ứng kéo dài khiến người bệnh chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch mũi sau gây đau họng. Do vậy, ngay khi phát hiện các triệu chứng dị ứng, bạn nên xác định nguyên nhân. Nếu xác định rõ cơ địa dị ứng với chất gì, bạn nên hạn chế tiếp xúc với chúng. Ở một số nước, tiêm phòng mũi vaccine dị ứng có hiệu quả với những trường hợp này.
Xông hơi: Các mô trong cổ họng dễ bị khô ngứa, sưng lên và tiết ra chất nhầy trong thời điểm dị ứng. Hơi nước giúp làm ẩm đường thở, độ ẩm từ hơi nước có thể làm dịu cổ họng, giảm các triệu chứng đau họng.
Uống nước: Nước luôn được khuyến khích sử dụng cho các trường hợp tắc nghẽn. Tình trạng khô hạn ở các bộ phận cơ thể thường làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Uống nhiều nước không chỉ giúp giữ ẩm cho cổ họng mà còn làm loãng chất nhầy.
Chất lỏng ấm: Chất lỏng ấm chẳng hạn như súp và trà nóng có thể giúp bạn dễ chịu khi bị đau họng. Súc miệng bằng nước muối ấm cũng có thể làm dịu cơn đau. Khi đau họng do dị ứng, người bệnh nên tránh xa đồ uống có chứa caffeine để hạn chế kích thích.
Nghỉ ngơi: Khi bị đau họng, các mô ở họng đang bị tổn thương, bạn nên nói với âm lượng thấp hơn bình thường, không la hét, không làm căng giọng.
Uống mật ong: Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, bao phủ cổ họng để giảm kích ứng. Khi bị đau họng do dị ứng, bạn có thể pha một thìa mật ong với nước ấm hoặc thêm mật ong vào trà để uống 2 lần mỗi ngày. Những người bị trào ngược axit, trẻ em dưới một tuổi không nên dùng mật ong.
Đối với trẻ em đau họng do dị ứng, nên hạn chế tiếp xúc với chất gây dị ứng càng nhiều càng tốt, uống nước và sử dụng bộ lọc không khí trong nhà. Nếu con bạn có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng hoặc kéo dài nên cho trẻ đi khám để có hướng xử lý phù hợp.
Anh Chi (Theo Healthline, Parents)