Sa bàng quang là tình trạng chỉ xảy ra ở nữ giới, khi bàng quang tụt xuống khỏi vị trí ban đầu về phía âm đạo, do tổn thương hoặc suy yếu mô liên kết thành trước âm đạo.
TS.BS Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu Nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm lão hóa do tuổi tác, giảm nồng độ hormone estrogen sau mãn kinh, sinh nở nhiều lần, thừa cân - béo phì, tình trạng tăng áp lực ổ bụng mạn tính như ho mạn tính, táo bón, thường xuyên mang vật nặng...
Mức độ sa càng lớn, bàng quang bị đẩy xuống âm đạo càng nhiều khiến người bệnh có các triệu chứng như tiểu nhiều lần, tiểu són, tiểu gấp, tiểu khó. Đôi khi người bệnh cần đẩy khối sa bàng quang vào bên trong âm đạo mới có thể đi tiểu hết, cảm giác vướng víu, khó chịu ở vùng kín. Trường hợp nặng có thể bí tiểu, ứ nước thận gây tổn thương thận.
Theo bác sĩ Liên, tùy mức độ, sa bàng quang có thể được điều trị bằng các phương pháp như sau:
Tập sàn chậu: Bài tập giúp cải thiện sức mạnh của nhóm cơ sàn chậu, cải thiện khả năng giữ cố định bàng quang. Bài tập có thể thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ với máy tập sàn chậu hoặc tự tập luyện tại nhà. Tập sàn chậu có hiệu quả với trường hợp sa bàng quang mức độ nhẹ.
Laser vùng chậu: Bác sĩ sử dụng năng lượng laser kích thích sản sinh estrogen, collagen để làm dày thành âm đạo, cải thiện độ đàn hồi, giúp cơ sàn chậu săn chắc, nâng cao khả năng giữ cố định bàng quang.
Đặt vòng nâng âm đạo: Đây là dụng cụ nhỏ, chất liệu silicon hoặc nhựa, được đặt vào âm đạo nhằm nâng giữ cố định vị trí bàng quang. Vòng nâng âm đạo là giải pháp tạm thời, dành cho trường hợp không muốn hoặc không thể phẫu thuật và tái phát nhiều lần. Vòng nâng âm đạo có một số hạn chế như khiến người mang khó chịu, có thể rơi ra, gây loét da, nhiễm trùng âm đạo.
Phẫu thuật: Bác sĩ đặt vật liệu y khoa dạng lưới nhằm nâng và đưa bàng quang về vị trí sinh lý ban đầu, rồi khâu cố định, có thể tiếp cận từ âm đạo hoặc đường ngã bụng. Phẫu thuật thường được chỉ định khi các phương pháp điều trị sa bàng quang không xâm lấn hoặc ít xâm lấn khác không có hiệu quả.
Sa bàng quang không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn gây ra một số vấn đề sức khỏe. Khối sa có thể bị nhiễm trùng do tiếp xúc với môi trường bên ngoài, dẫn đến lở loét, nhiễm trùng đường tiểu. Do khó làm rỗng bàng quang nên người bệnh nữ có nguy cơ biến chứng thận ứ nước, suy giảm chức năng thận.
Bác sĩ Liên khuyến cáo phụ nữ có các triệu chứng cảnh báo, nhất là khối sa lộ hẳn ra ngoài, cần đến bệnh viện điều trị, tránh để lâu làm phát sinh biến chứng. Để phòng ngừa, phụ nữ nên duy trì cân nặng phù hợp, ăn nhiều rau xanh và trái cây để tránh táo bón, điều trị ho mạn tính (nếu có), hạn chế mang vật nặng. Thường xuyên tập sàn chậu, nhất là sau khi sinh giúp tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |