Nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tim mạch và các biến chứng nặng về sau. Bệnh thường xảy ra đột ngột, khó biết trước và dễ gây nguy hiểm đến tính mạng. Nắm vững kiến thức sơ cứu nhồi máu cơ tim có thể giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết cơn nhồi máu cơ tim
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Trọng Hiếu - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch. Thời gian "vàng" để cứu cơ tim là trong giờ đầu sau khi xuất hiện cơn đau ngực. Nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài trên 3 giờ, cơ tim hầu như bị tổn thương khó hồi phục dù được điều trị tái thông mạch vành.
Người dân cần chú ý các dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim sớm để sơ cứu kịp thời. Bao gồm:
Ðau ngực là triệu chứng thường gặp nhất với các tính chất như đau sau xương ức hoặc đau ngực trái; kiểu đau đè nặng, siết chặt, bóp nghẹt; lan lên cổ, hàm dưới, vai trái hoặc bờ trong tay trái. Một số trường hợp lan xuống thượng vị nhưng không bao giờ vượt quá rốn. Thời gian: thường kéo dài hơn 20 phút. Triệu chứng kèm theo: khó thở, vã mồ hôi.
Một số bệnh nhân không biểu hiện đau ngực mà có những triệu chứng không đặc hiệu là cảm giác mệt mỏi, cảm giác hồi hộp, khó thở, đau thượng vị, buồn nôn, nôn, rối loạn tri giác...
Bệnh nhân hậu phẫu, lớn tuổi, đái tháo đường có thể không biểu hiện đau ngực mà xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác hoặc dấu hiệu sinh tồn xấu đi khi bị nhồi máu cơ tim cấp.
Cách sơ cứu nhồi máu cơ tim
Bác sĩ Trọng Hiếu chia sẻ thêm, khi những triệu chứng ban đầu của cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện, các tế bào cơ tim bắt đầu bị tổn thương. Tình trạng tổn thương khó hồi phục sau 30 phút và tỷ lệ tử vong cao nhất trong vòng một giờ đầu tiên xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim. Các phương pháp điều trị chỉ đạt hiệu quả trong 2-4h đầu tiên khởi phát cơn đột quỵ tim. Vì vậy, thời gian và việc sơ cứu ban đầu đúng cách ngay tại nhà là yếu tố then chốt tăng cơ hội sống còn, giảm di chứng cho người bệnh.
Nếu là bệnh nhân, bạn cần: Ngưng mọi hoạt động ngay lập tức, từ từ ngồi hoặc nằm ở tư thế nửa ngồi, nửa nằm tại nơi gần nhất có chỗ tựa lưng hoặc tựa đầu để thư giãn. Việc gắng sức lúc này sẽ làm cho cơ tim bị tổn thương nặng hơn. Cởi bỏ áo khoác, cà vạt hoặc khăn đang đeo trên người để giảm bớt cảm giác khó thở, mệt mỏi.
Cần giữ bình tĩnh khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện. Việc sợ hãi và mất bình tĩnh sẽ càng làm cho tình trạng thiếu máu cơ tim trở nên trầm trọng hơn. Sự bình tĩnh sẽ giúp cho bạn xử lý tình huống hiệu quả hơn.
Tiếp theo, cần liên lạc ngay với trạm vận chuyển cấp cứu (115). Nếu không có điều kiện, cần có người nhà trợ giúp. Đặc biệt, bệnh nhân không tự động đi xe đến bệnh viện.
Dùng thuốc cắt cơn đau thắt ngực: nếu được bác sĩ kê đơn Nitroglycerin hay Aspirin và mang thuốc theo bên người, bạn nên dùng ngay. Cách dùng Nitroglycerin là ngậm hoặc xịt dưới lưỡi. Với Aspirin, bạn nhai luôn một viên trong khi chờ đợi xe cấp cứu. Tuy nhiên, nếu trước đó, bác sĩ không kê đơn cho bạn hai thuốc này thì không nên tự ý uống.
Nếu là người xung quanh hoặc người nhà bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, bạn cần xem xét, đánh giá tình trạng bệnh nhân.
Trong trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo thì giúp đỡ người bệnh ngồi xuống hoặc nằm theo tư thế nghỉ ngơi. Đồng thời, trấn an người bệnh nhẹ nhàng, không hỏi quá nhiều và hướng dẫn họ hít thở sâu. Nếu bạn quá lo lắng hoặc kích động, tinh thần của người bệnh có thể bị ảnh hưởng, tình trạng bệnh diễn biến xấu đi.
Nếu người bệnh được bác sĩ cho uống Aspirin hoặc Nitroglycerin... trong đơn thuốc hàng ngày hoặc thuốc cấp cứu đã chỉ định trước, hãy cho họ dùng thuốc theo hướng dẫn.
Trong trường hợp bệnh nhân bất tỉnh, theo bác sĩ Trọng Hiếu, cách sơ cứu tốt nhất là hồi sinh tim phổi (CPR-Cardiopulmonary Resuscitation). Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên thực hiện cho bệnh nhân nếu đã được huấn luyện kỹ về phương pháp này hoặc có kinh nghiệm thực hành. Do đó, bạn hãy tìm đến nhân viên y tế đã được hướng dẫn hoặc chờ cấp cứu đến nếu không nắm rõ kỹ thuật.
Kiểm tra đường thở của bệnh nhân xem có dị vật hay chất nôn ói trong mũi miệng hay không và móc sạch ra; ngửa cổ để đường thở thông thoáng. Nếu bệnh nhân có ói thì nghiêng đầu sang một bên để tránh hít sặc vào phổi.
Cùng lúc, cần lập tức gọi dịch vụ cấp cứu (115).
Khi cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực cần lưu ý:
- Đảm bảo khu vực xung quanh an toàn để thực hiện CPR.
- Đặt nạn nhân trên mặt phẳng vững chắc.
- Kiểm tra phản xạ của nạn nhân bằng cách vỗ vai nạn nhân.
- Kiểm tra mạch đập, cùng lúc đó kiểm tra hơi thở bằng cách quan sát lên xuống của lồng ngực nạn nhân. Thực hiện bước này trong vòng 10 giây.
- Thực hiện CPR, tốt nhất là làm theo hướng dẫn của tổng đài viên cấp cứu. Lưu ý liên tục thực hiện CPR.
- Đặt gót một bàn tay trên lồng ngực nạn nhân, ngang hai đầu vú, chồng bàn tay còn lại lên bàn tay thứ nhất và đan những ngón tay lại với nhau.
- Đè tay ép lồng ngực của nạn nhân xuống khoảng 5-6 cm, rồi buông ra cho lồng ngực trở lại như cũ trước khi ép. Lặp lại động tác này liên tục 100 lần/phút (khoảng 2 lần ép mỗi giây) để tăng co bóp tim, giúp đẩy máu lên não và các cơ quan quan trọng, làm liên tục cho đến khi xe cấp cứu tới hoặc bệnh nhân hồi tĩnh.
Bác sĩ Trọng Hiếu cũng lưu ý, mục đích của CPR là bơm một lượng máu nhỏ tới não và tim để "kéo dài thời gian" cho tới khi chức năng tim được phục hồi bình thường. Người thực hiện CPR có thể là nhân tố quan trọng để cứu sống nạn nhân.
"Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn uống đủ chất, kiểm soát các yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì; tránh hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên... là những cách để phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim", bác sĩ Trọng Hiếu khuyến cáo.
Ngọc An