Độ ẩm không khí tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi. Thực phẩm không được bảo quản đúng cách trong thời gian này dễ bị ẩm mốc, biến đổi chất, giảm giá trị dinh dưỡng, tăng nguy cơ ngộ độc.
Chuyên viên Nguyễn Thị Thương, khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các loại nấm mốc có thể sinh ra độc tố gây đột biến gene với nhiều mức độ khác nhau như aflatoxin, ochratoxin A, patulin, fumonisin, zearalenone và nivalenol. Trong đó, độc tố aflatoxin B1 vào cơ thể có thể làm đột biến chuỗi DNA, tổn thương gan. Dưới đây là một số cách bảo quản thực phẩm vào mùa nồm ẩm.
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
Làm sạch thực phẩm trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Loại bỏ phần hư hỏng, dập nát của rau củ quả, rửa sạch dưới vòi nước, để ráo hoặc lau khô bằng khăn, giấy thấm. Sau đó, đặt thực phẩm vào túi giấy hộp nhựa hoặc thủy tinh, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm để giữ độ tươi và giá trị dinh dưỡng.
Chia thành thực phẩm tươi thành từng phần nhỏ, đóng gói kín hoặc đựng trong hộp có nắp đậy để tránh nhiễm khuẩn chéo. Theo Hiệp Hội An toàn Thực phẩm Mỹ (USDA), thời gian bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh trong ngăn mát khoảng 3-4 ngày hoặc trong ngăn đông 3-4 tháng. Thời gian và nhiệt độ bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh và tủ đông như sau:
Loại thực phẩm |
Ngăn mát (1-3 độ C) | Ngăn đông (dưới -18 độ C) |
Trứng sống nguyên vỏ | 2-3 tuần | Không bảo quản |
Cá tươi | Một ngày | Tốt nhất sử dụng trước 2 tuần |
Cá khô | Một tháng | Tốt nhất sử dụng trước 12 tháng |
Thịt heo | Một ngày | Sử dụng trước một tháng |
Thịt bò | Một ngày | Sử dụng trước một tháng |
Thịt gà | Một ngày | Sử dụng trước một tháng |
Thịt heo, bò, gà đã nấu chín | Một ngày | Một tuần |
Chả lụa, chả bò | 3 ngày | 1-2 tuần |
Súp rau củ, thịt | Một ngày | Không bảo quản |
Bánh bông lan | 3-4 ngày | Không bảo quản |
Đế bánh pizza | 3-5 ngày | 1-3 tháng |
Bánh pizza | Một ngày | 1-3 tháng |
Các món salad đã trộn | Một ngày | Không bảo quản |
Măng tây, bắp cải | 3-5 ngày | Không bảo quản |
Xà lách | 5-7 ngày | Không bảo quản |
Cần tây, rau mùi | 5-7 ngày | Không bảo quản |
Dưa chuột, ớt chuông | 5-7 ngày | Không bảo quản |
Củ gừng, hành, hành tây, tỏi | 4 tuần | Không bảo quản |
Cà rốt | 7-10 ngày | Không bảo quản |
Khoai tây/khoai lang/khoai mỡ | 1-2 tuần | Không bảo quản |
Bí đỏ | 2-4 tuần | Không bảo quản |
Bơ, dâu, xoài chín | 3 ngày | Không bảo quản |
Ổi | 5 ngày | Không bảo quản |
Lê, táo, nho | 7 ngày | Không bảo quản |
Cam, quýt, bưởi | 7-14 ngày | Không bảo quản |
Các loại trái cây đã gọt vỏ | 1-2 ngày | Không bảo quản |
Nấm tươi | 3 ngày | Không bảo quản |
Theo chuyên viên Thương, một số loại vi khuẩn vẫn có thể tồn tại trong môi trường nhiệt độ thấp khoảng 0 đến -45 độ C. Các loại vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, Listeria, E.coli, Staphylococcus aureus... vẫn có thể có trong tủ lạnh. Vì vậy, gia đình nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, khoảng 2 tuần mỗi lần để ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ. Trong những ngày trời nồm ẩm, gia đình nên thường xuyên lau khô hơi nước đọng trên bề mặt tủ lạnh để tránh ẩm mốc.

Phân loại thực phẩm và đựng trong các hộp kín trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Ảnh: Linh Nguyễn
Không để thức ăn qua đêm ở nhiệt độ phòng
Thực phẩm đã nấu chín có thể để ở nhiệt độ phòng trong khoảng 2 giờ (bao gồm cả thời gian lấy ra từ tủ lạnh, chế biến, để nguội). Nếu chưa quá 2 giờ, gia đình có thể bảo quản chúng trong tủ lạnh và sử dụng trong 1-2 ngày. Nếu thực phẩm để ở nhiệt độ phòng từ 4 giờ trở lên, nguy cơ nhiễm khuẩn tăng cao, cần loại bỏ.
Không đông lạnh lại thực phẩm đã rã đông
Thực phẩm đã rã đông nên sử dụng hết thay vì bỏ lại tủ đông. Bởi rã đông nhiều lần làm mất chất dinh dưỡng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo trong tủ lạnh, ảnh hưởng đến thực phẩm khác.
Đặt thực phẩm ở nơi khô ráo
Với một số đồ ngũ cốc khô, gia vị nên kiểm tra kỹ, tránh làm hỏng hạt trước và trong khi sấy khô trước khi bảo quản vì hạt hỏng dễ bị nấm mốc xâm nhập. Mọi người nên đựng chúng trong lọ thủy tinh có nắp đậy kín, đóng túi chuyên dụng, hút chân không hoặc dùng thêm túi chống ẩm và đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, cách xa sàn nhà, không có côn trùng.
Hạn chế dự trữ đồ ăn
Sau một thời gian bảo quản, thực phẩm mất đi ít nhiều các chất dinh dưỡng. Khi độ ẩm cao, các bào tử nấm mốc và vi khuẩn trong không khí phát triển mạnh. Do vậy, trong thời tiết nồm ẩm, hãy hạn chế tối đa việc dự trữ nhiều thực phẩm trong tủ lạnh.
Sử dụng máy hút ẩm trong nhà bếp
Độ ẩm không khí cao làm hơi nước ngưng tụ, hình thành ẩm mốc trên các dụng cụ nấu ăn, vật dụng bảo quản thực phẩm. Nếu độ ẩm được kiểm soát ở mức phù hợp làm giảm sự phát triển của tác nhân gây hại, kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm. Gia đình nên sử dụng máy hút ẩm giúp không gian nhà bếp luôn khô ráo. Chú ý lựa chọn loại máy phù hợp với diện tích phòng và vệ sinh màng lọc khí định kỳ 3-6 tháng một lần để loại bỏ bụi bẩn.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |