Thận chứa đầy các mạch máu nhỏ giúp lọc chất thải và nước thừa từ máu và loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Người mắc bệnh thận mạn, thận không thể lọc máu tốt như bình thường, khiến chất thải thừa tích tụ trong cơ thể.
Dưới đây là 8 cách để duy trì sức khỏe và phòng bệnh thận.
Chia phần đĩa thức ăn
Chia đĩa thức ăn thành 4 phần. Dành 1/2 đĩa cho rau củ, 1/4 là protein nạc (thịt gà, thịt nạc, cá) và 1/4 còn lại là ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, hạt diêm mạch, yến mạch...).
Hạn chế ăn muối
Natri (muối) có nhiều trong thực phẩm đóng gói và thức ăn chế biến sẵn như súp, bánh mì, xúc xích, thịt nguội... Hạn chế lượng muối nạp vào giúp kiểm soát huyết áp. Người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 2.300 mg muối mỗi ngày, khoảng một muỗng cà phê.
Một số mẹo giúp kiểm soát lượng muối như nấu ăn tại nhà và hạn chế mua đồ ăn ngoài, sử dụng các loại gia vị không chứa muối, thảo mộc, chanh; kiểm tra sản phẩm đóng gói, rửa sạch thực phẩm đóng hộp trước khi ăn để loại bỏ muối.
Ăn lượng protein vừa phải
Ăn nhiều protein hơn mức cơ thể cần có thể khiến thận phải làm việc nhiều hơn vì khi ăn protein, cơ thể tạo ra chất thải được lọc qua thận.
Người mắc bệnh thận mạn tính nên ăn ít protein hơn. Nhiều chất đạm có thể khiến chất thải tích tụ trong máu và thận không thể loại bỏ nó. Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ, người mắc bệnh này nên hạn chế lượng protein tiêu thụ ở mức 0,6-0,8 g cho mỗi kg trọng lượng cơ thể để giảm bệnh thận tiến triển. Ví dụ, một người nặng 68 kg cần 40-54 g protein động vật hoặc thực vật mỗi ngày. Người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định lượng protein phù hợp.
Để phòng ngừa bệnh thận mạn tính, nên chọn nguồn protein lành mạnh và theo dõi khẩu phần ăn. Protein tốt gồm thịt nạc, cá, thịt gia cầm không da (khoảng 55-85 g mỗi khẩu phần), trứng, sữa (một hộp sữa chua, 120 ml sữa hoặc 28 g phô mai cho mỗi khẩu phần). Các loại đậu và hạt cũng cung cấp protein lành mạnh (mỗi khẩu phần lần lượt là 170g và 85 g).
Chọn carbohydrate phức tạp
Carbohydrate (carb) là nguồn năng lượng chính của cơ thể, chất xơ hỗ trợ sức khỏe tim và đường ruột, giữ cho lượng đường trong máu ổn định. Tuy nhiên, carb đơn giản trong các món tráng miệng, đồ uống có đường và thực phẩm đóng gói có thể làm tăng đường huyết, béo phì, nguy cơ tiểu đường type 2 và bệnh tim. Những tình trạng này ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh thận mạn theo thời gian.
Nên hạn chế đồ uống và thức ăn nhiều đường. Lựa chọn carb phức tạp lành mạnh hơn, ít tác động đến đường huyết như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, đậu.
Hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, có hại cho thận. Sức khỏe của tim và thận có mối liên hệ với nhau, vì tim liên tục bơm máu đi khắp cơ thể và thận liên tục lọc máu để loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể.
Cách phòng bệnh thận cũng như bệnh tim là nên hạn chế chất béo bão hòa ở mức dưới 10% tổng lượng calo hàng ngày. Nguồn chất béo chính gồm thịt, các sản phẩm từ sữa, mỡ lợn, dầu ăn. Chất béo không bão hòa có lợi cho tim có trong cá béo, quả bơ, quả óc chó, dầu ô liu và nhiều loại dầu thực vật. Tránh chất béo chuyển hóa có trong đồ nướng và đồ chiên.
Hạn chế phốt pho, kali
Phốt pho và kali là những khoáng chất cơ thể cần cho một số quá trình nhất định của cơ thể. Phốt pho giúp xương chắc khỏe, kali điều hòa nhịp tim và giữ cho cơ bắp hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, với người bệnh thận mạn tính, những khoáng chất này có thể tích tụ trong máu gây ra các vấn đề khác nhau. Hàm lượng phốt pho cao có thể khiến xương yếu đi và dễ gãy hơn, ngứa da, đau xương và khớp. Lượng kali trong máu cao gây ra các vấn đề về tim.
Xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ kali và phốt pho giúp theo dõi lượng hấp thụ các khoáng chất này. Nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định chế độ ăn phù hợp giúp phòng bệnh thận.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |