BS.CKI Phan Huỳnh Tiến Đạt, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ung thư bàng quang là loại ung thư hệ tiết niệu thường gặp, chỉ xếp sau ung thư tuyến tiền liệt. Các tác nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:
Hút thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá cả chủ động và bị động, bao gồm thuốc lá điện tử, là yếu tố nguy cơ ung thư bàng quang lớn nhất. Bác sĩ Đạt dẫn nghiên cứu ở Mỹ cho thấy khoảng 50-65% trường hợp ung thư bàng quang liên quan đến thuốc lá. Người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư bàng quang gấp 3-4 lần người không hút. Nguyên nhân là do những chất độc hại trong khói thuốc lá có thể tích tụ trong nước tiểu, dần tổn thương niêm mạc bàng quang, dễ dẫn đến ung thư hơn.
Thường xuyên tiếp xúc hóa chất: Người làm việc trong môi trường phải tiếp xúc nhiều hóa chất có mùi thơm như sơn, thuốc nhuộm, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu..., người sinh sống trong môi trường nguồn nước ô nhiễm, chứa thạch tín, có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn người bình thường.
Tiền sử gia đình: Người có người thân mắc ung thư bàng quang có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác. Nguyên nhân có thể do yếu tố di truyền hay chung môi trường sống.
Tuổi tác: Nguy cơ mắc ung thư bàng quang gia tăng ở người lớn tuổi. Nhiều trường hợp ung thư bàng quang được phát hiện ở người trên 55 tuổi.
Viêm nhiễm: Tình trạng nhiễm trùng đường tiểu mạn tính hoặc tái phát nhiều lần trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư tế bào vảy nằm ở niêm mạc bàng quang.
Béo phì: Quá trình tăng sản xuất insulin ở người béo phì có khả năng kích thích tế bào ung thư ở nhiều cơ quan phát triển, bao gồm ung thư bàng quang.
Lạm dụng thuốc: Các dược chất dư thừa trong thuốc được đào thải ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu làm phá hủy niêm mạc bàng quang, dễ gây ung thư. Thói quen tự ý dùng thuốc, sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang, mà còn các ung thư hệ tiết niệu khác như ung thư thận.
Giới tính: Bác sĩ Đạt cho biết nam giới có tỷ lệ mắc ung thư bàng quang và tử vong vì bệnh này cao hơn so với nữ giới.
Tiền sử điều trị ung thư: Người từng điều trị ung thư bằng thuốc hoặc xạ trị ung thư vùng chậu có nguy cơ phát triển ung thư bàng quang cao hơn.
Theo bác sĩ Đạt, tiểu máu là dấu hiệu ung thư bàng quang thường gặp nhất. Nguyên nhân do các khối u ác tính ở bàng quang dễ chảy máu, lẫn vào nước tiểu. Do đó, người có triệu chứng tiểu máu lâu ngày không hết cần sớm đến bệnh viện khám, chẩn đoán, xác định nguyên nhân, điều trị phù hợp, tránh để lâu ung thư bàng quang di căn, điều trị phức tạp hơn.
Để phòng ngừa ung thư bàng quang, bác sĩ Tiến Đạt khuyến cáo không hút thuốc lá bao gồm cả thuốc lá điện tử, uống đủ nước khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày, ăn uống lành mạnh, hạn chế tiếp xúc với hóa chất có mùi thơm và thuốc trừ sâu.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |