Nhiễm trùng tim xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các chất kích thích như vi khuẩn, virus và nấm. Các bộ phận của tim thường bị tổn thương do nhiễm trùng bao gồm: cơ tim, van tim, lớp lót bên trong (nội tâm mạc), màng ngoài hoặc túi (màng ngoài tim). Trong đó, ba loại nhiễm trùng chính có thể ảnh hưởng đến tim và gây ra những rủi ro nghiêm trọng là viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đã bị nhiễm trùng tim.
Đau ngực
Đau ngực là cảm giác khó chịu ở ngực bao gồm đau âm ỉ, cảm giác đè ép hoặc nóng, đau nhói và đau lan đến cổ hoặc vai. Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị nhiễm trùng tim có thể bị đau ngực âm ỉ, đau nhức hoặc giống như bị đè ép. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể xuất hiện cảm giác khó chịu do viêm màng ngoài tim thường xuất hiện bên dưới xương ức hoặc ở bên trái ngực.
Mệt mỏi
Khi mắc bệnh nhiễm trùng tim, người bệnh sẽ xuất hiện cảm giác khó thở và mệt mỏi. Trong thời gian này, người bệnh cần được nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, chọn chế độ ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước. Ngoài ra, các nghiên cứu đã liên kết sự mệt mỏi mãn tính với một số vấn đề về tim, chẳng hạn như thực tế là nhiều người bị mệt mỏi mãn tính cũng bị rối loạn chức năng tâm thất trái.
Sốt
Theo một số thống kê, tình trạng sốt cao trên 38 độ C là biểu hiện đầu tiên của bệnh nhiễm trùng tim.
Phù nề
Phù tim xảy ra khi tâm thất trái (ngăn dưới của tim) bị bệnh hoặc làm việc quá sức không thể bơm đủ lượng máu mà nó nhận được từ phổi. Điều này khiến tim giữ một lượng chất lỏng dư thừa và dẫn đến sưng tấy ở nhiều vùng cơ thể, bao gồm cả mắt cá chân và bàn chân.
Đau khớp hoặc đau nhức cơ thể
Sốt thấp khớp là một biến chứng rất hiếm gặp có thể phát triển sau khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Nó có thể gây đau khớp và các vấn đề về tim. Một người đã từng bị sốt thấp khớp trước đây có nhiều khả năng bị sốt thấp khớp trở lại nếu họ tiếp tục bị viêm họng liên cầu khuẩn, ban đỏ.
Đổ mồ hôi đêm
Phụ nữ có thể nhầm triệu chứng này với tác dụng phụ liên quan đến thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết tình trạng thức dậy với khăn trải giường ướt đẫm mồ hôi kèm khó ngủ có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim, đặc biệt là ở phụ nữ.
Nếu người bệnh nhận thấy các triệu chứng trên vẫn không thuyên giảm dù đã dùng thuốc, hãy đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra, người bệnh bỗng dưng xuất hiện các cơn đau ở ngực kèm buồn nôn, khó thở, móng tay và môi đổi màu, đổ mồ hôi hoặc cảm giác đau lan ra cánh tay, lưng, cổ hoặc hàm cũng cần được đưa đến bệnh viện sớm.
Hướng điều trị
Để chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng tim, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm máu, chụp X-quang ngực, chụp CT hoặc MRI. Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ cũng có thể thực hiện đặt ống thông tim để lấy mẫu sinh thiết.
Thông thường, việc điều trị nhiễm trùng tim phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Một số các phương pháp được chỉ định như: thuốc chống nấm, kháng sinh, thuốc chống viêm Colchicine, Corticoid, thuốc trợ tim, thuốc cao huyết áp, thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Ngoài ra, những người bị nhiễm trùng tim nặng có thể cần phẫu thuật tim, phẫu thuật van tim hoặc ghép tim.
Cách giảm nguy cơ nhiễm trùng tim
Theo các chuyên gia y tế, không thể ngăn ngừa được tình trạng nhiễm trùng tim. Tuy nhiên, mỗi người vẫn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách giữ gìn sức khỏe thông qua những cách như: hạn chế tiếp xúc gần với những người bị nhiễm virus, tiêm vaccine dự phòng theo định kỳ, tuân thủ thói quen chăm sóc răng miệng và rửa tay thường xuyên.
Huyền My (Theo Cleveland Clinic, WebMD)