Tầm soát ung thư là tìm kiếm các tăng trưởng ác tính trước khi bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, hiện nay việc tầm soát ung thư đường tiêu hóa như ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng được tiến hành theo phương pháp tầm soát một bước và hai bước.
Tầm soát một bước là người bệnh chỉ thực hiện một phương pháp kiểm tra để tìm kiếm ung thư. Tầm soát hai bước là bệnh nhân cần làm thêm kiểm tra khác nếu kết quả ban đầu dương tính.
Phương pháp tầm soát ung thư thực quản, dạ dày
Đối với các loại ung thư đường tiêu hóa trên, người bệnh nên tầm soát bằng phương pháp nội soi thực quản - dạ dày. Nội soi cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp niêm mạc ống tiêu hóa, tìm kiếm các sang thương tiền ung thư như viêm teo, loạn sản, polyp... bằng ống soi có gắn camera. Đây là phương pháp tầm soát một bước, trong một lần soi vừa có thể phát hiện, sinh thiết để chẩn đoán xác định ung thư, vừa điều trị và xử trí sang thương.
Bác sĩ Thái nhấn mạnh, nội soi thực quản - dạ dày chất lượng cần đảm bảo đạt đủ thời gian soi để đánh giá toàn diện 8 mốc giải phẫu và các vùng có nguy cơ cao. Các mốc này gồm thực quản trên, chỗ nối dạ dày - thực quản, đáy vị, thân vị, góc bờ cong nhỏ, hang vị, hành tá tràng và phần tá tràng D2. Để tiến hành kỹ càng, thời gian quan sát niêm mạc tối thiểu 5 phút, chưa tính thời gian chuẩn bị và thời gian xử trí sang thương. Khi kết thúc nội soi, các mốc giải phẫu trên và bất kỳ tổn thương nào được phát hiện phải được ghi lại bằng hình ảnh.
Ngoài nội soi, một phương pháp khác cũng được ứng dụng khá rộng rãi trong tầm soát ung thư thực quản và ung thư dạ dày là chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang. Phương pháp tầm soát hai bước này cũng giúp xác định tổn thương loét ác tính, sang thương thâm nhiễm và một số u ác tính giai đoạn sớm. Dù vậy, bác sĩ Thái cho biết, tỷ lệ âm tính giả của nó lên đến 50% và độ nhạy trong phát hiện ung thư sớm không cao chỉ 14%.
Phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng
Theo bác sĩ Thái, nội soi đại tràng là lựa chọn được ưu tiên trong tầm soát ung thư đại trực tràng. Tỷ lệ phát hiện ung thư và polyp tuyến của phương pháp này đạt 95-100%. Ngoài ra, nó còn cho phép bác sĩ loại bỏ tổn thương và polyp tuyến trước khi chuyển thành ác tính ở bất kỳ vị trí nào trong lòng ruột.
Tương tự nội soi thực quản - dạ dày, để đạt nội soi chất lượng cao, quá trình thực hiện cần đảm bảo thời gian soi tiêu chuẩn. Thời gian trung bình của một cuộc soi đại trực tràng là khoảng 20-60 phút. Trong đó, thời gian quan sát niêm mạc khi rút ống soi cần đạt tối thiểu 6 phút. Việc kiểm tra toàn bộ đại tràng (>95%) cần được xác nhận bằng hình ảnh các mốc giải phẫu như lỗ ruột thừa, đoạn cuối hồi tràng, van hồi manh tràng.
Trường hợp bệnh nhân ngần ngại hoặc không đủ điều kiện nội soi đại tràng do sức khỏe hạn chế hoặc lý do khác, có thể xem xét tầm soát hai bước bằng xét nghiệm phân, nội soi đại tràng sigma hoặc chụp cắt lớp vi tính đại tràng. Tuy nhiên, bác sĩ Thái lưu ý, nếu các phương pháp này cho kết quả dương tính, người bệnh vẫn cần nội soi đại tràng để chứng thực ung thư và xử lý cắt bỏ polyp.
Xét nghiệm phân
"Hiện nay, ở Việt Nam, bệnh nhân có thể được chỉ định xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân với ưu điểm không xâm lấn, không nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là cần làm hàng năm, không đặc hiệu cho ung thư, có độ nhạy kém để phát hiện polyp tiến triển và không phát hiện được polyp răng lược", bác sĩ Thái nói.
Nội soi đại tràng sigma
Nội soi đại tràng sigma có độ nhạy cao đối với ung thư đại trực tràng đoạn thấp. Dù vậy, thay vì soi toàn bộ đại trực tràng, phương pháp chỉ đưa ống soi vào một đoạn khoảng 50 cm. Do đó, không thể phát hiện các tổn thương đoạn trên và chỉ dùng cho các bệnh nhân không đồng ý soi đại tràng toàn bộ.
Chụp cắt lớp vi tính đại tràng
Phương pháp này có thể phát hiện polyp tuyến nhưng lại kém nhạy với tổn thương phẳng và tổn thương răng cưa không cuống.
Phương pháp tầm soát ung thư đường tiêu hóa lý tưởng cần có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, an toàn, ít xâm lấn, dễ tiếp cận và chi phí hợp lý. Bác sĩ Thái khuyên người không thuộc nhóm nguy cơ cao, trên 45 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư đường tiêu hóa bằng phương pháp phù hợp để chủ động bảo vệ sức khỏe và điều trị sớm nếu phát hiện ung thư.
Châu Vũ
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp cùng VnExpress tổ chức tuần tư vấn Cập nhật mới về nội soi tầm soát và điều trị ung thư tiêu hóa từ ngày 22/11 đến hết ngày 26/11 trên báo điện tử VnExpress. Tuần tư vấn sẽ giúp các độc giả có thêm thông tin về lợi ích của các chương trình tầm soát ung thư đường tiêu hóa, lựa chọn phương pháp tầm soát, thời điểm tầm soát phù hợp, hiệu quả của phẫu thuật điều trị ung thư.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM như: Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa; bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi - Trưởng khoa Ung bướu; bác sĩ chuyên khoa I Đào Thị Yến Thủy - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế và các cộng sự.
Từ bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội có sự tham gia của Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp; Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu và các cộng sự. Độc giả quan tâm có thể gửi câu hỏi tại đây để được các chuyên gia tư vấn trong chương trình.