BS.CKI Phạm Thế Anh, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ung thư thận là loại ung thư thường gặp tại hệ thống tiết niệu. Để đưa ra phương án điều trị phù hợp, bác sĩ cần xác định kích thước, giai đoạn của khối u ác tính tại thận thông qua phối hợp nhiều phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán gồm:
Xét nghiệm nước tiểu: Đây là xét nghiệm phổ biến trong chẩn đoán các bệnh đường tiết niệu. Xét nghiệm nước tiểu giúp phân tích, phát hiện các thành phần có trong mẫu nước tiểu như tế bào hồng cầu (tiểu máu vi thể), tế bào ung thư, vi khuẩn... cung cấp thông tin để đưa ra các chỉ định chẩn đoán chuyên sâu hơn.
Siêu âm: Ung thư thận giai đoạn sớm thường không có triệu chứng nên phần lớn người bệnh phát hiện thận có khối u nghi ung thư thông qua siêu âm khi khám sức khỏe thông thường.
Chụp CT hay MRI: Khi phát hiện thận có khối u khả nghi, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh chụp cắt lớp vi tính (CT) hay chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu nhằm xác định khả năng ác tính, vị trí và kích thước, mức độ xâm lấn của khối u (xác định giai đoạn ung thư).
Sinh thiết thận: Trong trường hợp kết quả chẩn đoán hình ảnh học không rõ ràng, chưa chắc chắn là ung thư, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện sinh thiết thận. Thông qua hỗ trợ của siêu âm hay CT, bác sĩ đưa kim nhỏ vào vị trí nguy cơ ung thư cao tại thận và lấy ra một số mẫu mô thận để xét nghiệm giải phẫu bệnh. Sinh thiết thận không phải xét nghiệm chẩn đoán ung thư thận tiêu chuẩn.
Xạ hình thận: Nếu người bệnh ung thư thận được chỉ định phẫu thuật cắt hoàn toàn một quả thận, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm xạ hình thận để đánh giá chức năng của bên thận còn lại và có phương án chăm sóc hậu phẫu phù hợp. Nhờ đó, người bệnh tránh tình trạng suy thận, phải chạy thận nhân tạo.
Xạ hình xương: Khi người bệnh ung thư thận có triệu chứng đau nhức xương, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm xạ hình xương nhằm đánh giá, phát hiện khả năng ung thư thận di căn đến xương.
Nếu phát hiện ung thư thận ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần được thực hiện phẫu thuật nội soi cắt khối u, có thể giữ lại quả thận (cắt một phần thận). Trường hợp ung thư thận ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã xâm lấn sâu, lan ra xung quanh, người bệnh buộc phải cắt toàn bộ một bên thận, và có thể cần điều trị bổ sung xạ trị hoặc hóa trị sau phẫu thuật.
Bác sĩ Thế Anh khuyến cáo mọi người khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần để sớm phát hiện và điều trị ung thư thận, nhất là khi có người thân từng mắc ung thư thận, người hút thuốc lá nhiều hay thừa cân béo phì. Người bệnh có triệu chứng tiểu máu, đau một bên lưng, sờ thấy khối u ở bụng, huyết áp tăng bất thường, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sụt cân nhanh... cần sớm đến bệnh viện khám. Bác sĩ làm các xét nghiệm và chẩn đoán để xác định chính xác nguyên nhân, điều trị kịp thời.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |