Khối u ở thận phải được phát hiện đã 6 năm song chị Nguyễn Thị Ánh chưa có điều kiện điều trị. Năm ngoái, u to lên khoảng 13-14 cm, tế bào ung thư đã di căn xa xâm lấn vào mạch máu, bác sĩ tiên lượng thời gian sống của chị Ánh không quá một năm nếu không điều trị. Chị từ chối phẫu thuật với lý do "không thể chữa khỏi bệnh lại tốn kém, vất vả".
Gần đây, sức khỏe giảm nhiều, hông lưng đau buốt, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, được chẩn đoán u ác tính 14 cm ở cực trên thận phải. Chồi u xâm lấn khoảng 4-5 cm vào tĩnh mạch chủ bụng - tĩnh mạch lớn nhất trong cơ thể.
TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, tư vấn "phẫu thuật là giải pháp duy nhất". Tuy nhiên chị Ánh từ chối lần nữa: "Ung thư di căn rồi, điều trị để làm gì khi chỉ sống thêm vài năm".
Nhiều bệnh nhân từ chối phẫu thuật khi biết mắc ung thư, tương tự chị Ánh. Họ có chung cảm xúc suy sụp, buông xuôi vì cho rằng ung thư là bệnh không thể chữa khỏi. Bác sĩ Đức cho hay quyết định điều trị hay không tùy vào người bệnh, song thực tế, ung thư thận có thể chữa khỏi nếu chưa di căn đến các bộ phận xa của cơ thể. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm tới 93% nếu ung thư chỉ giới hạn ở thận, 71% khi ung thư ở khu vực xung quanh và giai đoạn di căn đến mô xa thì tỷ lệ sống sau 5 năm giảm còn 15%. Một số bệnh nhân đã thay đổi quyết định sau khi bác sĩ phân tích về giải pháp và khả năng sống sau điều trị.
Chị Ánh đồng ý phẫu thuật sau ba tuần được bác sĩ và gia đình thuyết phục. Bác sĩ ba khoa Tiết niệu, Phẫu thuật mạch máu, Phẫu thuật mạch máu và Phẫu thuật Gan Mật Tụy phối hợp mổ, tách chồi u ra khỏi tĩnh mạch chủ bụng cùng toàn bộ khối thận có u. Theo bác sĩ Đức, đây là công đoạn phức tạp và rất nguy hiểm trong cuộc mổ, bởi người bệnh có nguy cơ mất máu. Ngoài ra, quá trình tách không cẩn thận, một phần khối u trôi theo dòng máu về phổi có thể làm tắc phổi khiến người bệnh suy hô hấp, tử vong ngay trên bàn mổ.
Bác sĩ cũng bóc tách phần u thận lớn dính vào gan. Một tuần sau mổ, chị Ánh phục hồi tốt, ít đau, đi lại nhẹ nhàng, ăn uống bình thường.
"Ca phẫu thuật loại bỏ gần như toàn bộ tế bào ung thư trong cơ thể, song chị Ánh cần hóa trị bổ sung để loại bỏ triệt để tế bào ung thư, ngăn ngừa tái phát", bác sĩ Đức cho biết. Người bệnh cần lưu ý chế độ dinh dưỡng để hỗ trợ quả thận còn lại hoạt động khỏe mạnh.
Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN) năm 2022 ghi nhận ung thư thận chiếm khoảng 2,2% trường hợp ung thư. Ung thư thận xâm lấn tĩnh mạch chủ bụng như chị Ánh ít gặp hơn, cũng là trường hợp đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, theo bác sĩ Đức.
Ung thư thận tiến triển âm thầm, hầu như không gây triệu chứng ở những giai đoạn đầu. Khi người bệnh phát hiện dấu hiệu như tiểu máu, đau hông lưng dai dẳng, bụng lớn lên, dễ mệt mỏi, chán ăn, sụt cân bất thường... ung thư thận đã chuyển sang giai đoạn muộn. Bác sĩ Đức khuyến cáo mọi người khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần để sớm phát hiện ung thư thận, điều trị dễ dàng, tỷ lệ khỏi hoàn toàn cao, kéo dài tuổi thọ. Người bệnh ung thư thận nên giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ phương án điều trị đưa ra.
Thắng Vũ - Đức Trí
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |