Các gốc tự do là các phân tử có tính phản ứng cao và không ổn định được cơ thể tạo ra tự nhiên trong quá trình trao đổi chất. Chúng cũng được cơ thể tạo ra sau khi tiếp xúc với các chất độc trong môi trường như khói thuốc lá, tia cực tím (UV), radon; các hóa chất nghề nghiệp như amiăng, vinyl clorua; một số virus, bức xạ y tế, ô nhiễm không khí.
Các phân tử này gây nên căng thẳng oxy hóa, đẩy nhanh quá trình lão hóa. Chúng còn có khả năng dẫn đến đột biến, làm hỏng DNA của cơ thể. DNA chứa gene, protein, lipid, màng tế bào và các chất quan trọng khác nên khi DNA hư hại dẫn đến bệnh tật, ví dụ bệnh tim, ung thư.
Tổn thương các gene trong DNA khiến chúng tạo ra các protein kém hiệu quả. Tổn thương có thể gây ra các vấn đề ở gene ức chế khối u. Những gene này chỉ đạo các protein sửa chữa DNA hư hỏng hoặc khiến các tế bào bị hư hỏng nặng đến mức chúng không thể sửa chữa được để loại bỏ quá trình chết tế bào. Một loạt đột biến ở gene ức chế khối u này và ở các gene khác dẫn đến hình thành tế bào ung thư.
Theo nghiên cứu năm 2019 của Trường Đại học Nghiên cứu và Giáo dục dược phẩm Ấn Độ, nhiều hóa chất thực vật trong thực phẩm là chất chống oxy hóa. Những chất dinh dưỡng này ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do và làm giảm thiệt hại mà chúng gây ra cho cơ thể. Chế độ ăn nhiều rau, trái cây có liên quan đến giảm nguy cơ mắc ung thư và nhiều bệnh khác. Ví dụ về các chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do và căng thẳng oxy hóa như vitamin E và A, beta-caroten, anthocyanidin, epigallacatechin-3-gallate (EGCG).
Không thể tránh hoàn toàn các gốc tự do vì chúng là một phần của quá trình tự nhiên trong cơ thể. Tuy nhiên, tránh phơi nhiễm các hóa chất từ môi trường và tiếp xúc với tia cực tím để hạn chế hình thành gốc tự do.
Chất chống oxy hóa trong thực phẩm như các loại quả mọng (dây tây, việt quất), trái cây họ cam quýt, trà xanh, rau họ cải... có thể chống lại các gốc tự do. Chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng có chứa chất chống oxy hóa từ thực phẩm tự nhiên có lợi trong điều trị ung thư.
Chất chống oxy hóa từ thực phẩm bổ sung có thể ảnh hưởng đến điều trị ung thư nên người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Nghiên cứu công bố năm 2018 của Trường Đại học Hamburg-Eppendorf (Đức) trên hơn 2.200 người, cho thấy phụ nữ mãn kinh mắc ung thư vú sử dụng chất bổ sung chất chống oxy hóa trong quá trình hóa xạ trị có tiên lượng xấu hơn.
Nghiên cứu khác công bố năm 2019 của Trường Đại học Y New York trên hơn 570 người, chỉ ra chất bổ sung chất chống oxy hóa (ví dụ vitamin E) có thể thúc đẩy sự phát triển và lây lan của bệnh ung thư phổi.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |