Một nghiên cứu trên 50 tiểu bang của Mỹ cho thấy, bệnh nhân mắc một trong 13 loại ung thư (ung thư máu, vú, đại trực tràng, bàng quang, thận, nội mạc tử cung, hạch bạch huyết, phổi, gan, tuyến tụy, hắc tố, tuyến tiền liệt và tuyến giáp) có nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong cao hơn so với người không mắc bệnh ung thư khi nhiễm Covid-19.
Nghiên cứu được thực hiện trên 16.570 bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm Covid-19, trong đó có 1.200 bệnh nhân ung thư và 690 bệnh nhân ung thư mới.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Jama Oncology vào tháng 10/2020 cũng kết luận nhóm bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19 có nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong cao hơn so với nhóm bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà không bị ung thư và nhóm bệnh nhân bị ung thư mà không nhiễm Covid-19.
Đặc biệt, nhóm bệnh nhân ung thư mới được chẩn đoán gần đây là những người dễ bị tổn thương nặng nhất, có nguy cơ chuyển nặng và tử vong cao hơn trong tổng số bệnh nhân ung thư. Khi nghiên cứu sâu hơn về các yếu tố nguy cơ, Covid-19 tác động mạnh nhất trên nhóm bệnh nhân ung thư máu, ung thư phổi, ung thư gan và ung thư tuyến tụy.
Nguyên nhân là vì trong số các bệnh ung thư, ung thư máu ảnh hưởng nhiều nhất lên hệ thống miễn dịch, từ đó làm giảm sức đề kháng của bệnh nhân. Các trường hợp bệnh ung thư tiến triển hoặc di căn sang các cơ quan khác như ung thư gan, phổi... khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc chống chọi với Covid-19.
Thông thường, các mầm bệnh như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng được coi là "kẻ thù địch" bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Hệ miễn dịch được ví như "lực lượng phòng thủ" của cơ thể, bất kỳ vật gì bên ngoài xâm nhập vào cơ thể mà không được hệ miễn dịch công nhận sẽ đưa tín hiệu báo động tấn công. Tuy nhiên, ở bệnh nhân ung thư hệ miễn dịch sẽ suy yếu, nhất là trong thời gian điều trị xạ trị, hóa trị... sẽ làm giảm số lượng bạch cầu ở tủy xương, khiến bệnh nhân dễ nhiễm các mầm bệnh hơn bình thường. Vì hệ miễn dịch suy yếu khiến bệnh nhân có nguy cơ gặp biến chứng nặng hơn khi mắc Covid-19.
Các nghiên cứu khác cũng cho nhận định, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư phổi khi nhiễm Covid-19 sẽ tăng lên. Nguy cơ bệnh nhân ung thư vú và ung thư máu chuyển nặng và tử vong cũng cao hơn. Ở nhóm bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 có tiền sử hút thuốc lá, có bệnh lý nền đi kèm hoặc đang hóa trị liệu đều làm tăng nguy cơ tử vong.
Cách bảo vệ người bệnh ung thư trong dịch
Từ tháng 2/2021, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt sử dụng một số vaccine ngừa Covid-19. Tại Việt Nam, các vaccine được sử dụng trên nhóm đối tượng bệnh nhân ung thư bao gồm Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca.
Theo khuyến cáo của Mạng lưới Ung thư toàn diện Quốc gia Mỹ (NCCN), tất cả bệnh nhân ung thư nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 được FDA cho phép sử dụng. Tiêm vaccine được khuyến khích ở tất cả bệnh nhân ung thư, kể cả bệnh nhân đang điều trị tích cực như hóa trị liệu, điều trị đích, điều trị miễn dịch hoặc xạ trị. Tuy nhiên, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị về thời gian tiêm ngừa phù hợp.
Theo bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhóm bệnh nhân ung thư cần tiêm ít nhất hai mũi vaccine để giảm thiểu nguy cơ nhiễm Covid-19 và chuyển biến nặng. Hơn nữa, người bệnh ung thư thường có miễn dịch suy giảm và cộng thêm gánh nặng của các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nên tiêm vaccine có thể không tạo đủ miễn dịch chống Covid-19. Do vậy, người bệnh ung thư có thể xem xét bổ sung kháng thể đơn dòng phòng Covid-19 nhằm tăng kháng thể, bảo vệ đầy đủ để phòng chống sự lây nhiễm của nCoV.
Một nghiên cứu vaccine Covid-19 trên tổng số hơn 5.010 bệnh nhân ung thư, trong đó hơn 2.670 bệnh nhân có khối u ác tính, 2.300 bệnh nhân có khối u đặc và 739 bệnh nhân có khối u được kiểm soát cho kết quả một liều vaccine chỉ mang lại đáp ứng huyết thanh yếu và không đồng nhất ở các nhóm bệnh nhân. Với liều vaccine thứ hai, tỷ lệ đáp ứng huyết thanh sẽ tăng lên nhưng hiệu giá kháng thể vẫn giảm so với nhóm khối u được kiểm soát.
Vừa qua, hãng dược phẩm AstraZeneca đã nghiên cứu và sản xuất kháng thể đơn dòng cho người từ 12 tuổi trở lên và từ 40 kg, đặc biệt tăng cường bảo vệ nhóm đối tượng bị suy giảm miễn dịch, không có đáp ứng miễn dịch, không thể tiêm vaccine hoặc không sản sinh đầy đủ kháng thể sau khi tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19.
Bác sĩ Thảo Nghi cho biết thêm, từ hơn 1.500 kháng thể của những người khỏi bệnh Covid-19 trên thế giới, các nhà khoa học đã chọn ra hai kháng thể có hoạt lực mạnh nhất là Tixagevimab và Cilgavimab để tạo ra kháng thể đơn dòng phòng Covid-19.
Theo nghiên cứu được AstraZeneca công bố, kháng thể đơn dòng phòng Covid-19 của hãng được kiểm nghiệm trên hơn 7.000 người, qua 3 thử nghiệm pha 3 có thể giúp tạo đủ lượng kháng thể cần thiết cho cơ thể với hiệu quả bảo vệ lên đến 83%, kể cả Omicron và không có trường hợp bệnh nặng hay tử vong trong suốt 6 tháng theo dõi.
Hiệu quả này được quan sát ở những người bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc đang sử dụng các thuốc, phác đồ điều trị ức chế miễn dịch và có thể không tạo được đáp ứng miễn dịch với vaccine phòng Covid-19 như người cấy ghép tạng (ghép gan, ghép thận, ghép tim...), ung thư, HIV...
Đại diện Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, sau hai tuần triển khai tiêm kháng thể đơn dòng của AstraZeneca phòng Covid-19 tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội và BVĐK Tâm Anh TP HCM, hàng nghìn người lớn và trẻ em từ 12 tuổi, đặc biệt là những người suy giảm miễn dịch, bệnh nhân ung thư... đã được tiêm và ổn định sức khỏe, sẵn sàng trở lại các hoạt động kinh tế, du lịch, xã hội.
Thúy Nguyễn
Vào lúc 20h tối nay (ngày 8/4), chương trình tư vấn trực tuyến: "Trẻ em và các nhóm người nên tiêm kháng thể đơn dòng phòng Covid-19" sẽ được phát trên báo điện tử VnExpress, với sự phối hợp tổ chức của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Đài truyền hình Việt Nam.
Chương trình cũng phát trên các nền tảng online của Đài truyền hình Việt Nam (VTVGo, VTV24, VTV8), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Đài Truyền hình Vĩnh Long, VNVC - Trung tâm Tiêm chủng trẻ em và người lớn, Hệ thống phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, Báo điện tử Thanh Niên...
Các chuyên gia tham gia chương trình gồm: PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội; BS.CKII Tạ Phương Dung - Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM; ThS.BS Chu Thị Cúc Hương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Hà Nội; BS Trần Vương Thảo Nghi - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM; BS.CKI Phạm Mạnh Hoàn - Nguyên Trưởng khoa Huyết học - Độc xạ Nghề nghiệp, Bệnh viện Quân Y 175.
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi tại đây để được chuyên gia giải đáp trong chương trình.