BS.CKII Nguyễn Thị Hồng Oanh, Đơn vị Niệu Nữ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết do nhiều nguyên nhân như cấu trúc giải phẫu, sinh lý hệ tiết niệu, quá trình mang thai, mãn kinh, lão hóa, hóa xạ trị ung thư vùng chậu... mà nữ giới dễ mắc một số bệnh đường tiểu.
Nhiễm trùng tiểu: Niệu đạo ở nữ giới ngắn khoảng 4 cm, nằm gần hậu môn và âm đạo, vi khuẩn gây bệnh dễ xâm nhập nên nữ giới dễ nhiễm trùng tiểu hơn nam giới. Bàng quang là cơ quan hay bị ảnh hưởng nhất trong hệ tiết niệu nữ.
Viêm bàng quang là dạng thường gặp của nhiễm trùng tiểu ở nữ giới. Theo bác sĩ Oanh, có khoảng 50% phụ nữ trải qua tình trạng này ít nhất một lần trong đời, khoảng 40% có khả năng tái phát trong vòng 6 tháng.
Nhóm bệnh niệu học chức năng: Đây là các bệnh liên quan đến tình trạng rối loạn chức năng đường tiểu dưới, phổ biến là sa tạng chậu, bàng quang tăng hoạt, bàng quang thần kinh hay tiểu không tự chủ (són tiểu). Các vấn đề này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống của người bệnh.
Bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang co bóp quá mức, ngay cả khi không chứa nhiều nước tiểu, gây tiểu gấp không kiểm soát, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, són tiểu. Phụ nữ đi tiểu nhiều hơn 8 lần mỗi 24 giờ hoặc trên hai lần mỗi đêm khả năng cao do hội chứng bàng quang tăng hoạt.
Tiểu không tự chủ (són tiểu) là tình trạng nước tiểu rò rỉ không kiểm soát, nhất là khi hoạt động gắng sức như ho, hắt hơi, mang vật nặng hoặc đột ngột cảm thấy muốn đi tiểu (tiểu gấp) không kịp phản ứng.
Phụ nữ dễ gặp tình trạng tiểu không tự chủ do nhiều nguyên nhân như lão hóa, mang thai và sinh con, mãn kinh khiến hệ cơ sàn chậu, cơ thắt niệu đạo suy yếu, khả năng nâng đỡ bàng quang, niệu đạo và khả năng giữ nước tiểu đều giảm.
Sa tạng chậu xảy ra khi các cơ quan vùng chậu gồm tử cung, âm đạo, niệu đạo, bàng quang, trực tràng và hậu môn tụt khỏi vị trí sinh lý. Nguyên nhân là do lão hóa, mang thai, sinh con... khiến hệ cơ và dây chằng sàn chậu bị giãn, suy yếu, không còn khả năng giữ các cơ quan vùng chậu. Các cơ quan này sa xuống lộ ra khỏi âm đạo, gây khó chịu, vướng víu, bất tiện khi đại và tiểu tiện, thậm chí có thể gây biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng tiểu, ứ nước thận, suy giảm chức năng thận.
Sỏi tiết niệu hình thành do khoáng chất trong nước tiểu lắng đọng, tích tụ theo thời gian, kết tinh thành các khối rắn. Sỏi có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trong hệ tiết niệu của nữ giới nhưng chủ yếu ở thận, bàng quang, niệu quản. Trong đó, sỏi san hô là loại nguy hiểm nhất, chỉ hình thành trong thận và trong môi trường có nhiễm trùng tiểu. Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn nam giới nên hình thành sỏi san hô nhiều hơn.
Ung thư tiết niệu là những khối u ác tính phát triển tại các cơ quan trọng hệ tiết niệu, thường gặp nhất là ung thư bàng quang, ung thư thận, ung thư niệu quản.
Bất thường về giải phẫu hệ niệu như thận niệu quản đôi hoàn toàn hoặc không hoàn toàn, thận lạc chỗ, hẹp khúc nối bể thận niệu quản, hẹp niệu quản do lao, bàng quang thần kinh...
Bác sĩ Hồng Oanh khuyến cáo phụ nữ có các triệu chứng đường tiểu như tiểu nhiều lần, tiểu gấp không kiểm soát, són tiểu, tiểu máu, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, tiểu máu, đau hông lưng dai dẳng... cần đến bệnh viện khám. Bác sĩ sẽ xác định chính xác nguyên nhân để có phương pháp điều trị phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |