Theo ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Thục Như (Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), ngáy là kết quả của sự rung động các mô mềm trong vòm họng do luồng không khí gây ra, đặc biệt là vòm khẩu cái mềm. Hiện tượng rung trong vòm họng phát triển tùy thuộc vào các yếu tố tương tác. Nó có thể bao gồm khối lượng, sức cơ và các cấu trúc liên quan vùng cổ cũng như vận tốc và hướng của luồng không khí.
Tình trạng giãn trương lực cơ khi ngủ có thể là một phần gây ra chứng ngủ ngáy. Bởi vì trương lực cơ là yếu tố duy nhất có thể thay đổi lúc ngủ, trong khi khối lượng mô và các cấu trúc liên quan không thay đổi. Khi trương lực cơ giảm, không thể giữ cho đường thở mở rộng dễ dẫn đến thở khò khè và ngáy.
Người ngáy ở mức độ nhẹ và trung bình do suy giảm trương lực cơ có thể áp dụng các bài tập cơ lưỡi để cải thiện. Những bài tập này còn được gọi là liệu pháp cơ chức năng hoặc bài tập hầu họng. Hầu họng là khu vực phía sau miệng bao gồm đáy lưỡi, hai bên thành họng, amidan, vòm họng và khẩu cái mềm (phần cơ mềm ở phía sau vòm miệng).
Bài tập lưỡi
Bài tập trượt lưỡi trong vòm miệng
Đặt đầu lưỡi vào mặt sau của răng cửa trên. Từ từ trượt lưỡi về phía sau với đầu lưỡi di chuyển dọc theo vòm miệng hay còn gọi là khẩu cái cứng. Lặp lại 5-10 lần.
Bài tập lưỡi chạm cằm
Thè lưỡi ra xa nhất có thể. Cố gắng để đầu lưỡi chạm được cằm trong khi mắt nhìn lên trần nhà. Giữ trong 10-15 giây và tăng dần thời lượng. Lặp lại 5 lần.
Bài tập đẩy lưỡi lên
Đưa lưỡi lên trên vòm miệng và ấn toàn bộ lưỡi của bạn vào đó. Giữ lưỡi ở vị trí này trong 10 giây. Lặp lại 5 lần.
Bài tập đẩy lưỡi xuống
Đặt đầu lưỡi của bạn chạm vào răng cửa dưới. Đẩy mặt sau của lưỡi áp sát vào sàn miệng. Giữ lưỡi ở vị trí này trong 10 giây. Lặp lại 5 lần.
Bài tập mặt
Các bài tập cho miệng vận động các cơ trên khuôn mặt giúp ngăn ngừa ngủ ngáy. Những bài tập này có thể được thực hiện nhiều lần mỗi ngày.
Bài tập móc má
Dùng ngón tay móc câu kéo nhẹ má phải ra ngoài. Sau đó dùng cơ mặt kéo má vào trong. Lặp lại 10 lần cho mỗi bên.
Bài tập ngậm chặt miệng
Ngậm chặt miệng bằng cách mím môi. Sau đó mở miệng, thả lỏng quai hàm và môi. Lặp lại 10 lần.
Bài tập thở bằng mũi
Bài tập này nhằm cải thiện việc thở bằng mũi, giúp ổn định đường thở trong khi ngủ. Ngậm miệng và thả lỏng hàm, hít vào bằng mũi. Sau đó, dùng một ngón tay hoặc đốt ngón tay bịt một lỗ mũi. Thở ra nhẹ nhàng qua lỗ mũi còn lại. Thực hiện khoảng 10 lần cho mỗi bên mũi.
Bài tập phát âm
Việc lặp lại các nguyên âm a, e, i, o, u giúp làm săn chắc các cơ vòm họng. Bắt đầu bằng cách đọc từng nguyên âm một cách bình thường. Sau đó, điều chỉnh mức độ bạn kéo dài âm hoặc tốc độ đọc nguyên âm. Lặp lại cùng một nguyên âm từ 10-20 lần liên tiếp, sau đó chuyển sang nguyên âm khác.
Ngủ ngáy là tình trạng phổ biến, xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Ngủ ngáy có thể vô hại nhưng cũng có thể là một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cần được điều trị, điển hình là hội chứng ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ liên quan đến sự tắc nghẽn đường hô hấp có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe nếu không được chẩn đoán và điều trị.
Từ suy giảm chất lượng cuộc sống, hiệu suất công việc, tăng nguy cơ tai nạn giao thông cho đến nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường, các bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Khi ngủ ngáy đi kèm với các tình trạng như tăng cân quá mức, béo phì, đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, trầm cảm, thường xuyên thức giấc giữa đêm dẫn đến mệt mỏi, không tỉnh táo vào ban ngày..., người bệnh nên khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và can thiệp kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên Phương