PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: "Hai tuần nay, ca nguy kịch vô khoa liên tục, tình hình bệnh nặng đang tăng". Riêng ngày 21/6, bệnh viện nhận liên tiếp 5 ca tay chân miệng rất nặng, được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ngoài ra, hơn 60 bé mức độ ít nặng hơn đang điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh.
Có những trường hợp nguy kịch, ngưng thở, bác sĩ phải phối hợp nhiều biện pháp để cứu sống. Chẳng hạn, bé gái 14 tháng tuổi nhập viện cách đây một tuần, ba ngày đầu sốt nhẹ, xuất hiện hồng ban ở bàn tay, bàn chân kèm loét họng. Sau đó bé bớt sốt nhưng ngủ hay giật mình. Đến ngày thứ 5, bé giật mình chới với nhiều khi ngủ, gia đình đưa vào viện nhưng diễn tiến nhanh dẫn đến suy hô hấp. Bé ngưng thở, bác sĩ đặt nội khí quản và chuyển đến khoa hồi sức tích cực để thở máy song trụy tim mạch, mạch nhanh, tụt huyết áp, đe dọa tính mạng. Bác sĩ phải dùng thuốc vận mạch trợ tim, truyền dịch chống sốc và lọc máu cấp cứu.
Lọc máu là phương pháp hiệu quả góp phần cứu sống nhiều ca tay chân miệng nặng. Đối với trẻ nhỏ, phương pháp này rất khó do việc tiếp cận mạch máu rất khó khăn, bệnh nặng diễn tiến nhanh nên dễ thất bại. Với bệnh nhi trên, sau lọc máu, tình trạng cải thiện, hiện cai được máy thở, tỉnh táo, không tổn thương các cơ quan.
Theo PGS. Quang, 5 năm qua kể từ sau đợt dịch 2018, số ca tay chân miệng nặng rất hiếm gặp. Năm nay xuất hiện chủng Enterovirus 71 (EV71) có đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao nên ca nặng tăng. Sở Y tế TP HCM ghi nhận số ca tay chân miệng tăng gần 150% trong một tháng qua, nhiều ca nặng.
Các bệnh viện nhi khác cũng tăng số ca tay chân miệng, trong khi những tháng trước trung bình chỉ 5-6 bé nằm viện hoặc không có ca nào. Như Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố đang điều trị hơn 50 ca tay chân miệng, 15% số này bệnh nặng. Bệnh viện Nhi Đồng 2 hơn 40 bé đang điều trị, 20-25% ca có biến chứng lên hệ thần kinh với các biểu hiện như giật mình, yếu chân tay.
Lý giải nguyên nhân năm nay bệnh tay chân miệng tăng nhanh, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, ghi nhận sự tái xuất của virus EV71 song "không thể lý giải được tại sao chủng nguy hiểm xuất hiện trở lại". Tuy nhiên, các bệnh do virus thường theo chu kỳ 3-4 năm sẽ quay lại, nhất là virus chưa có vaccine phòng ngừa.
Bác sĩ Khanh cũng cho rằng sau một thời gian dài xảy ra dịch Covid-19, trẻ phải ở trong nhà lâu nên khả năng miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm thường niên kém đi, dễ mắc bệnh. "Do đó, dịch bệnh tay chân miệng lần này rất đáng lo ngại", bác sĩ nói.
Một điểm khác của bệnh này năm nay là trẻ lớn cũng mắc tay chân miệng, trong khi trước đây thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Điều này có nghĩa trẻ từng mắc bệnh, nhưng nếu tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ nhiễm trở lại, theo ông Khanh.
Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện thành phố thống kê 4 ca tử vong do tay chân miệng. Số bệnh nhi nặng đang điều trị cũng chủ yếu được chuyển viện từ các tỉnh. Sở Y tế TP HCM cho rằng tình trạng này đáng lo ngại vì nguồn thuốc tại thành phố đang hạn chế. Đầu tháng 6, Sở Y tế đề nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc, dự kiến tháng 7 mới có. Sở cũng chuẩn bị ba kịch bản ứng phó nguy cơ bùng dịch.
Trong tình hình này, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhi tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời. Trường hợp loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối... cần khám tại cơ sở y tế, nhất là khi trẻ kèm dấu hiệu giật mình chới với.
Các dấu hiệu nặng là sốt cao liên tục khó hạ, sốt trên hai ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt. Khi bé có các dấu hiệu này, cần đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Biện pháp phòng chống là vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan.
Lê Phương - Mỹ Ý