Chị Nguyễn Thị Hạnh Thảo phát hiện bị cường giáp (tăng sản xuất hormone tuyến giáp quá mức) do bệnh Basedow (bệnh tự miễn của tuyến giáp) 14 năm trước, uống thuốc kém đáp ứng. Tuyến giáp ở cổ to dần, gây mất thẩm mỹ, tạo cảm giác nặng nề. Gần đây, cổ nặng hơn, khó thở khi nằm, mệt mỏi, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Ngày 6/12, BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết người bệnh có bướu cổ ở một thùy kích thước 8x5x5 cm, chèn ép vùng cổ gây khó thở khi nằm. Đây là trường hợp cường giáp nặng, nếu phẫu thuật cắt bướu ngay người bệnh dễ bị cơn bão giáp (tuyến giáp sản xuất và giải phóng lượng lớn hormone tuyến giáp trong khoảng thời gian ngắn) sau mổ. Hậu phẫu, người bệnh có thể nguy kịch và khó kiểm soát các tình trạng như sốt cao, rối loạn nhịp tim, suy tim, co giật, tụt huyết áp...
Các bác sĩ khoa Nội tiết và Ngoại Tim mạch - Lồng ngực hội chẩn quyết định điều trị nội khoa trong ba tuần nhằm ổn định chức năng tuyến giáp, sử dụng thuốc ức chế tiết hormone tuyến giáp giúp giảm chảy máu khi mổ. Khi tình trạng chị Thảo ổn định, bác sĩ sẽ phẫu thuật để đảm bảo an toàn.
Theo bác sĩ Hoài, trong phẫu thuật u tuyến giáp, mổ bướu cổ (bướu giáp) do Basedow phức tạp nhất. Cấu trúc mô của bướu giáp bình thường khá rời rạc, không dính chặt mô xung quanh nên dễ bóc tách. Trong khi đó, các mô của khối bướu giáp Basedow khá to, thêm phần viêm dính với mô liên kết xung quanh, số lượng mạch máu tăng sinh nhiều tạo thành mạng lưới phức tạp quanh mô giáp, thành mạch mỏng, dòng máu áp lực cao rất dễ chảy máu trong mổ nếu không kiểm soát tốt.
Bác sĩ phải tỉ mỉ bóc tách mô giáp, kiểm soát các mạch máu, tách kỹ khỏi mô liên kết xung quanh để hạn chế chảy nhiều máu. Quan trọng hơn là tránh làm tổn thương dây thần kinh quặt ngược thanh quản hai bên chạy sau tuyến giáp (gây khàn tiếng) và các tuyến cận giáp (điều hòa canxi máu).
Khó khăn đối với ê kíp phẫu thuật và gây mê là tình trạng chảy máu ở bệnh nhân Basedow trong khi mổ - đa số người bệnh mất nhiều máu và cần truyền máu. Để giải quyết tình trạng này, ê kíp sử dụng thiết bị Cell saver (truyền máu hoàn hồi trong phẫu thuật) thu thập 80% lượng máu mất, lọc và truyền lại cho người bệnh ngay, tránh biến chứng mất máu cấp.
Sau hai giờ phẫu thuật, toàn bộ khối bướu giáp được cắt trọn. Chị Thảo hồi phục tốt và không biến chứng khàn tiếng hay tê tay chân. Sau xuất viện, chị tiếp tục uống thuốc bổ sung hormone tuyến giáp và tái khám định kỳ.
BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết Basedow là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp, làm phì đại tuyến giáp lên nhiều lần, gây cường giáp. Basedow còn có tên gọi khác là bệnh Graves, bướu giáp độc lan tỏa, cường giáp tự miễn.
Hormone tuyến giáp có nhiệm vụ điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, nhịp tim và sự trao đổi chất. Khi mắc bệnh cường giáp, tuyến giáp hoạt động quá mức gây ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, xương và cơ. Triệu chứng gồm lồi mắt, phình cổ (bướu cổ), loãng xương dễ gãy xương, nhịp tim nhanh, yếu cơ, biến chứng đột quỵ và gây ra cơn bão giáp nếu không được điều trị đúng cách.
Theo bác sĩ Hiếu, Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh cường giáp, chiếm 60-80% trường hợp cường giáp. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, phổ biến ở tuổi 20-50, xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Giai đoạn sớm, bệnh được điều trị nội khoa nhằm giảm lượng hormone tuyến giáp, cải thiện triệu chứng. Nếu điều trị nội khoa không đáp ứng, bướu cổ phình to ảnh hưởng hô hấp, ăn uống, giọng nói, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Để phòng ngừa bệnh Basedow, bác sĩ Hiếu khuyên mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, giảm căng thẳng, tập thể dục đều đặn, giảm muối, đường và chất béo xấu trong chế độ ăn. Trường hợp có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, mắc bệnh tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, lupus, đái tháo đường, bệnh celiac, bạch biến, tiền sử gia đình có bệnh tuyến giáp, cần khám sức khỏe tuyến giáp định kỳ để phát hiện sớm bất thường và can thiệp kịp thời.
Thu Hà
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |