Nhà người bạn của tôi ở cách thành phố hơn 50 km. Cậu có một tật xấu là rất hay nhậu nhẹt. Cứ hễ có vụ gì là lại tụ tập bạn bè làm vài chai, thậm chí chẳng nhân ngày gì, vụ gì cũng thường lôi nhau ra quán làm chầu rượu - mà theo bạn nói là để giải khuây. Chính vì vậy mà sau lễ nhận bằng tốt nghiệp trường đại học, bạn lập tức tổ chức một buổi tiệc rượu chung vui với bạn bè như là dấu mốc đánh dấu sự chia tay quãng đời sinh viên nhiều kỷ niệm.
Bữa tiệc rượu ấy được tổ chức đúng cái hôm bạn nhận bằng tốt nghiệp, vào một ngày cuối tháng 6. Bạn đặt tiệc tại một nhà hàng bình dân, với ba bàn và số khách mời chỉ là những người bạn thân thiết. Ăn nhậu xong thì trời cũng đã tối, bạn lại kéo cả nhóm bạn đi hát karaoke cho tới tận khuya. Không chỉ trong lúc ăn tại nhà hàng, mà lúc cả hội trong quán hát, rượu bia cũng được gọi tràn lan. Trừ một vài người bạn uống có chừng có mực ra thì đa số đều uống hết mình, theo đúng nghĩa "tới bến".
>> Nhóm bạn nhậu chia tiền phạt nồng độ cồn 7 triệu đồng
Vì uống quá nhiều, bạn tôi gần như say mềm người. Nhưng mặc cho tôi hết lời khuyên can, bạn vẫn không nghe, uống không ngừng nghỉ. "Nay là ngày vui của mình, ngày mình cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học để mai này ra đời đi làm, vì vậy mọi người phải uống hết mình, không được ngại ngần gì hết...", bạn tuyên bố khi đứng còn không vững.
Cuộc vui kết thúc vào khoảng hơn 12 giờ đêm, tôi đưa bạn về phòng trọ của cậu, rồi trở lại phòng trọ của mình để nghỉ ngơi. Tôi nghĩ bụng, khi đã say bí tỉ như vậy thì cậu bạn tôi chắc sẽ ngủ luôn một mạch tới sáng. Thế nhưng, tôi không thể ngờ, đó là lần cuối cùng tôi còn gặp bạn. Vì đêm hôm ấy, không hiểu suy nghĩ thế nào, liền sau đó bạn đã dắt xe máy ra đường để chạy về quê báo tin vui trong tình trạng người đầy hơi men, không còn tỉnh táo.
>> 'Nồng độ cồn bằng 0 để cải thiện nòi giống người Việt'
Tôi còn nhớ, lúc đó khoảng gần 3 giờ sáng, khi tôi đang chìm sâu vào giấc ngủ thì tiếng chuông điện thoại réo vang. Đầu máy bên kia là giọng một người đàn ông, mà mãi sau tôi mới nhận ra đó là bố của bạn, nói đầy gấp gáp: "Khánh mất rồi cháu ạ!". Câu nói như cú đánh mạnh khiến tôi choàng tỉnh khỏi cơn mê. Tôi thảng thốt hỏi lại đầu đuôi câu chuyện thì bố bạn kể con trai bị tai nạn giao thông trên đường về quê khi tự đâm vào cột mốc cây số bên đường, điện thoại văng ra. Người đi đường đã lấy số điện thoại lưu trong điện thoại của bạn để báo về cho gia đình biết. Bố bạn vừa tới hiện trường của vụ tai nạn khiến con trai ông ra đi mãi mãi.
Khi biết tin, tôi và một số người bạn khác đã tức tốc chạy xe máy tới ngay hiện trường. Tất cả đều bàng hoàng khi nhìn thi thể cậu bạn mới mấy tiếng trước còn cười nói trong buổi tiệc mà nay cơ thể đã biến dạng, không còn nguyên vẹn. Không ai có thể nghĩ rằng, chuyến về quê trong đêm định mệnh ấy đã đóng sập tất cả tương lai, sự nghiệp của cậu, cũng như những mong ước của bố mẹ người thân về đứa con trai duy nhất trong gia đình.
Nếu như hôm đó, cậu không uống quá nhiều, đến mức say xỉn, hay chịu đi ngủ luôn thay vì chạy xe về quê trong đêm khi đã có hơi men, thì đâu đã ra nông nỗi này? Nhưng giờ mọi thứ đều đã quá muộn, bạn tôi đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, chỉ vì con "ma men" luôn ẩn chứa trong mình.
Sau sự việc đau lòng hôm ấy, tôi cũng như nhiều người bạn chơi chung nhóm, nhất là những người đã có mặt ở buổi tiệc nhậu chung vui cuối cùng với người cậu quá cố, đã tự nhắc nhở chính mình phải biết kiềm chế hơn trong việc sử dụng rượu bia. Hầu như ai trong số chúng tôi cũng sợ, bị ám ảnh từ cái chết quá đau lòng của người bạn thân.
Thông qua câu chuyện này, tôi cũng muốn "nhắn nhủ" tới mọi người, nhất là những ai hay uống bia rượu, rằng hãy hạn chế việc sử dụng đồ uống có cồn, hãy uống có chừng có mực, bởi khi say xỉn không chỉ mất vui mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng. Điều mọi người cần phải "khắc cốt ghi tâm" đó là: đừng bao giờ chạy xe khi đã uống rượu bia, bởi "con ma men" luôn chực chờ tạo ra những hậu quả khó lường.
Hàng năm ở nước ta luôn xảy ra rất nhiều các vụ tai nạn giao thông có liên quan tới việc người điều khiển phương tiện sử dụng đồ uống có cồn. Mặc dù từ đầu năm 2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực, cơ quan chức năng xử phạt rất nặng với người điều khiển các phương tiện vi phạm nồng độ cồn, vậy nhưng tình trạng người vi phạm vẫn diễn ra.
Mới nhất, ngày 11/4, hai thanh niên ở tỉnh Hòa Bình, sau khi uống hết khoảng 1,5 lít rượu tại một quán ốc đã cùng nhau đi trên một chiếc xe máy, phóng với tốc độ kinh hoàng, và đâm thẳng vào ôtô khách chạy ngược chiều khiến cả hai tử vong tại chỗ.
Nguyễn Gia Long
- 'Bị tước giấy phép lái xe 10 tháng vì ly rượu uống từ 15 tiếng trước'
- 'Nồng độ cồn bằng 0' khiến nhiều người chưa tâm phục
- Nhiều quán nhậu vẫn đắt khách dù siết nồng độ cồn bằng '0'
- Kinh doanh quán ăn như tôi kiệt quệ sau nồng độ cồn bằng '0'
- 'Bị phạt 7 triệu đồng vì chén rượu uống từ hôm trước'
- Hết lo mang tiếng 'không nể mặt' từ lúc có quy định độ cồn bằng 0