Chứng kiến trận thua 0-1 trước Indonesia khiến đội tuyển Việt Nam sớm bị loại khỏi Asian Cup 2023, tôi có nhiều trăn trở về cách dùng người của HLV Philippe Troussier:
Thứ nhất là vị trí của Văn Tùng. Cầu thủ này góp mặt trên sân gần như chỉ để đủ đội hình. Một cầu thủ không có nổi suất đá chính tại CLB nhưng lại là tiền đạo chính trong một trận đấu chính thức tại giải đấu cao nhất châu lục. Thế nên, không lạ khi Việt Nam bế tắc trong việc ghi bàn vào lưới đối phương.
Trường hợp của Đình Bắc cũng tương tự. Nói về khả năng chơi bóng và tiềm năng phát triển, Đình Bắc chẳng thể so được với Suphanat và Ferdinan - cầu thủ cùng lứa với Đình Bắc nhưng đã khiến U23 Việt Nam cực kỳ vất vả tại SEA Games cũng như trận đấu vừa qua. Còn nhớ đến phút 92 mà cầu thủ này vẫn bứt tốc vượt qua ba cầu thủ Việt Nam, dẫn đến thẻ đỏ của Thành Long. Một đội tuyển mà phải trông chờ vào một cầu thủ trẻ, mới vài ngày trước đó chỉ là nhân tố dự bị, chưa có gì nổi bật thì sẽ cảm thấy vui ít mà buồn nhiều cho cả nền bóng đá.
Ngoài ra, chúng ta có thể nhận thấy Tuấn Tài không thể đá trung vệ do thiếu chiều cao, khả năng tranh chấp, đặc biệt thể lực không đủ để đá 90 phút. Tuấn Anh và Quang Hải có thể cùng xuất hiện khi đối thủ của chúng ta là Lào hay Campuchia, chứ gặp đội bóng mạnh về tranh chấp, áp sát nhanh, chịu va đập tốt thì coi như chúng ta mất tuyến giữa. Hàng tiền vệ Indonesia toàn cao to, nhưng HLV Troussier lại sử dụng những cầu thủ thấp bé để làm đối trọng khiến chúng ta không thể kiểm soát được khu vực giữa sân.
Quyết sử dụng cặp cánh Xuân Mạnh, Minh Trọng chứ không dùng Văn Thanh, Tấn Tài cũng vô cùng khó hiểu khiến chúng ta gần như vô hại. Tóm lại, thất bại lần này không thể đổ lỗi cho cầu thủ trẻ, thiếu kinh nghiệm, hoặc kỹ năng còn yếu này nọ được, bởi nhân sự và lối chơi là do chính HLV tuyển chọn, quyết định. Thế nên, chính ông Troussier phải là người chịu trách nhiệm cho những sai lầm của mình.
Khi cầu thủ trẻ đủ tài năng sẽ đánh bật các đàn anh để giành vị trí chính thức trong đội hình, theo quy luật tre già măng mọc, đó là một sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh và tốt cho đội bóng. Còn tuổi còn nhỏ, tài chưa tới, kinh nghiệm vốn dĩ là còn số 0, mà HLV ưu ái, nghiễm nhiên cho một vị trí chính thức trong đội hình thì họ sẽ chẳng biết bản thân mình ở đâu, tài năng ở mức độ nào, chẳng cần phải cố gắng, chẳng cần phải phấn đấu, hoàn thiện bản thân, có khi còn sinh ra sự tự mãn, xem mình là ngôi sao.
Sử dụng cầu thủ trẻ quá nhiều cũng không phải điều tốt, khi cơ thể chưa hoàn thiện hẳn thì rất dễ chấn thương, mà cầu thủ trẻ mẫn cảm với chấn thương khác nào cơn ác mộng cho sự nghiệp. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh không công bằng, lành mạnh sẽ khiến phòng thay đồ bất ổn, dễ xảy ra tình trạng bằng mặt không bằng lòng.
>> Ảo tưởng bóng đá Việt Nam ở 'mâm' trên Thái Lan
Dù buồn vì đội tuyển nước nhà đã sớm phải rời giải, tuy nhiên tôi cho rằng đây là một thất bại cần thiết. Chúng ta cần thua để biết mình đang ở đâu, mình đang có những gì, HLV có thực sự làm được như những gì ông muốn và tuyên bố trước đó, có đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ chân chính không? Chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận thất bại, nhìn thẳng vào sự thật để điều chỉnh, chứ đừng kiểu tự hào vì "thua trên thế thắng" nữa.
Rõ ràng, bóng đá Việt không mạnh như những gì người hâm mộ vẫn nghĩ. các đội tuyển của ta mang tính chất chu kỳ nhiều hơn. Khi gặp một lứa cầu thủ tốt, kết hợp một HLV hiểu rõ bóng đá Việt, hiểu cầu thủ Việt thì chúng ta dễ thành công, như dưới thời HLV Park Hang-seo.
Còn đội tuyển hiện nay, cầu thủ trẻ không giỏi, cầu thủ đàn anh đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ dù mới 27-28 tuổi, trong khi HLV Troussier cũng không phải quá giỏi trọng vai trò huấn luyện... nên việc thất bại cũng không lạ. Tất cả căn cơ là nằm ở giải V-League, nằm ở công tác đào tạo trẻ và sân chơi cho cầu thủ trẻ. Cứ nhìn giải VĐQG ở ta là đủ hiểu vì sao đội tuyển lại dở như hiện tại.
Những ai từng mơ mộng rằng bóng đá Việt Nam sẽ tiệm cận Nhật Bản, Hàn Quốc trong tương lai gần, có lẽ nên thay đổi suy nghĩ ngay từ giờ. Để được như thế, họ cần cả một quá trình cải tổ nghiêm túc hàng thập kỷ. Trong khi đó, bóng đá Việt Nam đã làm được gì? Từ quá khứ đến tương lai gần, thành tích ông Park đạt được chính là đỉnh cao của chúng ta. Nhưng đó cũng là giới hạn của bóng đá Việt, và chúng ta sẽ chẳng thể đi xa hơn được nữa nếu không thay đổi.
Thế nên, quyết định thay HLV, tìm hướng đi mới, lối chơi mới cho đội tuyển Việt Nam theo tôi là hoàn toàn hợp lý. Nhưng vấn đề là người được chọn để thay thế đã đáp ứng được yêu cầu chưa thì tôi nghĩ rằng không. Ông Troussier có thể xem là một HLV đã hết thời từ rất lâu, vốn quen thuộc với vai trò Giám đốc kỹ thuật nhiều hơn là người ngồi trên bằng ghế huấn luyện để cầm quân trực tiếp nên các dùng người và thay người khó lòng nhạy bén.
Bên cạnh đó, Liên đoàn muốn có một HLV xây dựng được lối chơi mới cho đội tuyển, nhưng nguồn nhân sự (cầu thủ trẻ) của chúng ta ở các giải vô địch quốc gia lại chẳng thể đáp ứng được yêu cầu cho lối chơi mà ta muốn xây dựng và kỳ vọng. Tất cả những thứ đó khiến sự thay đổi của bóng đá Việt Nam trong năm qua chỉ dừng lại ở mức nửa vời. Và thất bại tới như một hệ quả tất yếu.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.