Đọc bài viết 'HLV Troussier đã hết thời' cùng những tranh luận của độc giả VnExpress xung quanh câu chuyện tương lai của HLV người Pháp ở đội tuyển Việt Nam, là một người hâm mộ bóng đá nước nhà, tôi cũng xin đóng góp một chút quan điểm cá nhân của mình như sau:
Đầu tiên, chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, ông Philippe Troussier tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam trong bối cảnh đội hình không còn nhiều cầu thủ giỏi. Cụ thể là lứa cầu thủ tài năng của bóng đá Việt dưới thời HLV Park Hang-seo đều đã luống tuổi, hoặc qua thời kỳ đỉnh cao phong độ, hoặc bị chấn thương hành hạ triền miên. Thế nên, để đòi hỏi ông Troussier phải tạo ra ngay một đội tuyển mạnh gần như là điều không thể.
Tuy nhiên, nói như vậy không phải để bào chữa cho những thất bại khi ông dẫn dắt đội tuyển Việt Nam suốt thời gian qua. Việc nhiều trụ cột trong thành phần đội tuyển thời gian trước sa sút phong độ không có nghĩa là Việt Nam chẳng còn một cầu thủ nào có đủ trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu quốc tế. Chúng ta vẫn còn đó những cái tên quen thuộc, từng là niềm tự hào của bóng đá nước nhà, sẵn sàng ra sân thi đấu.
Thế nhưng, vấn đề ở đây là cách tuyển chọn và sử dụng cầu thủ, cùng với việc áp dụng lối chơi kiểm soát bóng của ông lại có rất nhiều điều bất hợp lý, nếu như không muốn nói là sai lầm nghiêm trọng, có thể kể ra như:
Thứ nhất, những cầu thủ mà ông lựa chọn để sử dụng phần lớn đều không giỏi về kỹ thuật cá nhân (đa phần là cầu thủ trẻ, non kinh nghiệm), nền tảng thể lực yếu (ít được ra sân trong màu áo các CLB), chiều cao cũng vô cùng hạn chế (tuyển Việt Nam là đội bóng thấp nhất trong các đời đội tuyển dự Asian Cup 2023). Với nền tảng con người như thế, thật khó để hình dung HLV Troussier sẽ sắp xếp, bố trí nhân sự thế nào cho ổn?
Thứ hai, gần như toàn bộ các cầu thủ Việt Nam ở đội tuyển bây giờ chỉ đủ sức chạy được 70-80 phút trong điều kiện lý tưởng. Trong khi đó, HLV người Pháp lại chọn lối chơi ban bật nhanh, đòi hỏi một nền thể lực cực kỳ dồi dào mà chỉ những đội bóng mạnh trên thế giới mới áp dụng được. Thế nên, việc cầu thủ Việt bị quá tải, bị ngợp khi thi đấu là chuyện dễ hiểu.
Thứ ba, lối chơi của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier có thể nói là rất dễ bị bắt bài, bởi ít biến hóa, thiếu tính bất ngờ, trận nào cũng đá một kiểu. Thế nên, nếu chỉ phải gặp các đội yếu hơn trong khu vực ĐNA, chúng ta có thể dễ dàng áp đặt trận đấu theo ý mình. Còn khi phải đụng độ những đội bóng hàng đầu châu lục, có nền tảng thể lực dồi dào, chăm chỉ đeo bám, áp sát thì cầu thủ của ta gần như chẳng có đất để đá ban bật, mọi đợt tấn công dễ dàng bị bẻ gãy.
Thứ tư, trong thành phần đội tuyển Việt Nam hiện tại cũng chẳng có một ngôi sao nào đủ tầm xoay chuyển được cục diện trận đấu. Trong khi những Quang Hải, Tuấn Anh đang dần đánh mất phong độ thì những cầu thủ trẻ được kỳ vọng thay thế lứa đàn anh lại chẳng thể hiện được gì nhiều, do khoảng cách trình độ giữa các thế hệ là quá lớn.
Thứ năm, cách bố trí đội hình trên sân của HLV Troussier cũng mắc một sai lầm lớn khiến các cầu thủ không phát huy được hết khả năng của mình, đội hình thiếu tính ổn định, chắc chắn và dễ bị đối phương áp đảo.
Thứ sáu,cách chọn cầu thủ đá chính và thay người của vị chiến lược gia người Pháp cũng không ổn. Trong khi những cầu thủ có thể hình nhỏ con, không có phong độ cao, không thường xuyên được chơi bóng ở giải quốc nội (thậm chí phải ngồi dự bị ở giải Hạng Nhất) được ra sân đá chính trên tuyển thì những cầu thủ giàu kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu quốc tế lại phải làm quen với băng ghế dự bị ở tuyển quốc gia.
Với tất cả những sai lầm nối tiếp sai lầm như trên, tôi cho rằng việc đội tuyển Việt Nam toàn thua và bị loại sớm khỏi Asian Cup là điều đã được dự báo từ đầu. Cá nhân tôi cho rằng ông Troussier với triết lý bóng đá kiểm soát của mình không phải là lựa chọn phù hợp với bóng đá Việt Nam lúc này. Thay vào đó, VFF nên chọn cho đội tuyển Việt Nam một lối chơi phù hợp với thể hình, thể lực và mang đúng phong cách của người Việt.
Vẫn biết rằng, mỗi HLV lại ưa dùng một lối chơi khác nhau. Đội tuyển Việt Nam cũng cần thay đổi để tìm kiếm những thành công mới. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta thay đổi 180 độ, đập bỏ hết những cái hay, cái tốt từ đời HLV trước để xây lại từ đầu. Làm vậy là chúng ta thiếu hẳn tính kế thừa và phát huy.
Nên nhớ, cầu thủ Việt hoàn toàn khác với cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản, chứ chưa nói đến các nước châu Âu, châu Mỹ. Chúng ta làm bóng đá chưa chuyên nghiệp, con người cũng chưa giỏi đến mức mà sơ đồ, chiến thuật nào cũng đá được. Nếu từng gặt hái được nhiều thành công với lối chơi phòng ngự phản công thì cớ sao phải cố chấp đập bỏ để làm một cái khác, mà không tìm cách nâng tầm nó lên, giúp đội tuyển trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình?
>> Theo bạn, HLV Troussier có phù hợp với bóng đá Việt Nam? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.