Xem trận đấu của đội tuyển Việt Nam với Nhật Bản ở lượt trận đầu tiên bảng D Asian Cup 2023, chắc hẳn có nhiều người nhận ra thoáng chút lạ lùng. Bởi trong lúc cả BHL và các cầu thủ đều ăn mừng, hò hét khi chúng ta ghi bàn vào lưới đối thủ hàng đầu châu lục, thì HLV Troussier vẫn thể hiện một gương mặt khá bình thản, pha chút căng thẳng.
Có lẽ, ông biết chút lợi thế ít ỏi đó sẽ khó duy trì lâu trước một đối thủ đẳng cấp như Nhật Bản, hoặc cảm xúc ông đang có sự lẫn lộn vui - buồn trực trào khi hiểu được mình vừa trút được một áp lực to lớn từ những chỉ trích của người hâm mộ nước nhà bấy lâu nay. Còn tôi chỉ đơn giản cho rằng HLV Troussier thừa hiểu con đường mà ông hoạch định cho bóng đá Việt Nam vẫn còn rất dài và đây chưa phải là lúc ăn mừng.
Có nhiều ý kiến cho rằng một trận đấu hay với một đối thủ mạnh chẳng có gì đáng để vui mừng khi chúng ta vẫn là kẻ thất bại sau cùng với cách biệt hai bàn. Đúng vậy, mặc dù là một người ủng hộ sự thay đổi của ông Troussier ngay từ đầu, nhưng tôi vẫn hiểu được con đường đi đến thành công của bóng đá Việt Nam phía trước vẫn còn rất xa. Khi chúng ta cơ bản đã hoạch định được một lối chơi mới phù hợp thì hai bài toán mới đặt ra là sự kiên trì và nguồn nhân sự để thực hiện kế hoạch dài hơi đó.
Trước hết, sự kiên trì ở đây đòi hỏi quyết tâm, sự đồng lòng và sự kiên nhẫn của cả người hâm mộ lẫn Liên đoàn bóng đá khi theo đuổi con đường và lối chơi mới. Đây là điều khó nhất trong những bước đầu tiên. Người hâm mộ ở nền bóng đá nào cũng khá giống nhau, đều có những cổ động viên đòi hỏi sự thành công, chiến thắng ngay lập tức và ghét những thất bại, kiên nhẫn với họ là một thứ xa xỉ.
Điều này khá tương tự với trường hợp ông Park khi mới tới dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Khi đó, nhiều người trong chúng ta cũng từng có những nghi ngờ và chỉ trích ông là "HLV ngủ gật". Tôi tự hỏi, nếu không có thành công tại giải U23 châu Á năm ấy, thì liệu ông Park có nhận được ủng hộ tuyệt đối sau đó của người hâm mộ Việt hay không?
Với HLV Troussier, khác với sự chỉ trích và nghi ngờ ban đầu, nhiều cổ động viên hiện nay đã sớm "quay xe" sau trận đấu với tuyển Nhật Bản, vì họ dần hiểu được lối chơi mà ông hướng đến. Với tôi, đó sự thành công quan trọng nhất sau trận đấu với đội bóng là ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch, chứ không phải màn thể hiện của các cầu thủ trong một trận đấu hay hoặc tỷ số "thua tích cực".
Tuy nhiên, sẽ không dễ cho ông Troussier đạt được thành công ngay lập tức như người tiền nhiệm, khi xuất phát điểm và lựa chọn con đường của hai người hoàn toàn khác nhau. Vấn đề là liệu có bao nhiêu người hâm mộ sẽ tiếp tục ủng hộ nếu đội tuyển có những vấp ngã hay thất bại trên con đường sắp tới?
Khó khăn tiếp theo là bài toán nhân sự khi đội tuyển phải luôn có nguồn cầu thủ dồi dào phù hợp với triết lý mới, lối chơi mới, sẵn sàng thay thế khi các vị trí chính thức bị chấn thương hoặc xuống phong độ. Nếu như ở cấp độ CLB, việc này có thể dễ dàng giải quyết bằng các kỳ chuyển nhượng, thì ở cấp độ đội tuyển, chỉ có hai lựa chọn là nguồn đào tạo cầu thủ nội phù hợp hoặc dùng cầu thủ nhập tịch. Tôi cho rằng, chúng ta cần tiến hành song song cả hai phương án này.
Về đào tạo cầu thủ nội, ai cũng biết bóng đá Việt Nam hiện nay có các lò đào tạo cầu thủ trẻ chất lượng như VPF, Viettel, Hà Nội... Tuy nhiên, vấn đề là làm sao các lò vừa có chung giáo trình đào tạo tiêu chuẩn để sản sinh ra nguồn cầu thủ đạt chất lượng tương đồng, vừa tạo ra "chất riêng" của mình. Ngoài ra, vấn đề ở đầu ra của nguồn cầu thủ trẻ tại các CLB cũng cần phải được định hướng tiếp cận với lối chơi mới hiện đại, thay vì "cứ phất bóng dài cho Tây chạy" như ở V-League hiện nay.
Để làm được điều này, rất cần có sự đồng lòng và thống nhất từ VFF, VPF với các CLB và trung tâm đào tạo trẻ cả nước. Đây là điều không dễ khi ban đầu nó có thể đụng chạm và ảnh hưởng đến thành tích của các CLB. Nhưng xét về lâu dài, việc này sẽ đem lại lợi ích bền vững cho cả các CLB và đội tuyển quốc gia.
Về vấn đề nhập tịch cầu thủ, hiện VFF vẫn đang cố gắng tìm kiếm để mang về nguồn lực cầu thủ Việt kiều, nhưng theo tôi cần có cơ chế linh hoạt về chế độ nhập tịch dành cho các cầu thủ gốc Việt này (có ba hoặc mẹ gốc Việt), để sớm đem lại cơ hội cho cả đội tuyển và các cầu thủ. Bên cạnh đó, chúng ta cần xem xét nguồn cầu thủ ngoại đủ điều kiện nhập tịch, thi đấu lâu dài tại V-League, có trình độ giỏi và có khát khao cống hiến cho đội tuyển Việt Nam, thay vì cứ xem đây là một vấn đề rất nhạy cảm và bỏ qua ngay từ đầu.
Đúc kết lại, hai vấn đề khó khăn này tuy không phải là điều gì đó mới mẻ, nhưng không dễ thực hiện, vì nó đòi hỏi thay đổi bắt đầu từ tầm nhìn và tư duy của Liên đoàn, các nhà làm bóng đá và chính các cổ động viên. Cuối cùng, cũng như tôi từng nói trong một bài viết trước, thay vì cứ lấy sự kèn cựa với các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á làm niềm vui, chúng ta phải hướng mục tiêu và tầm nhìn của cầu thủ và người hâm mộ lên một tầm cao mới - nơi mà mỗi khi cầu thủ Việt Nam ra sân sẽ nhận được sự tôn trọng lớn của đối thủ lớn của châu lục và thế giới, không chỉ vì tinh thần máu lửa mà còn là sự mạnh mẽ trong lối chơi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.