Như vậy là đội tuyển Việt Nam đã phải nhận thất bại thứ hai liên tiếp tại Asian Cup 2023, lần này là trước đối thủ cùng khu vực Indonesia. Thất bại 0-1 khiến Việt Nam vẫn trắng tay qua hai lượt trận đầu bảng D, và chính thức hết hy vọng đi tiếp vào vòng 1/8 Asian Cup 2023. Kết quả này chắc chắn khiến nhiều NHM nước nhà vô cùng thất vọng. Thậm chí, nhiều người còn đòi sa thải ngay HLV Philippe Troussier.
Cá nhân tôi thấy thật lạ lùng khi ở Việt Nam luôn có những CĐV chỉ trực chờ HLV và cầu thủ mắc sai lầm, thua trận là nhảy vào chê bai. Nhiều người còn so sánh đội tuyển bây giờ với thời HLV Park khi chúng ta có một lực lượng hùng mạnh nhất. Nhưng họ đâu hiểu HLV Troussier phải tiếp quản một lứa cầu thủ trẻ hầu như yếu kém về mọi mặt, trong khi bóng đá lại không có tính bắc cầu.
Nên nhớ rằng, những năm gần đây, Indonesia đầu tư rất mạnh tay cho bóng đá. Họ tích cực nhập tịch nhiều cầu thủ chất lượng, chỉ có điều việc nhập tịch ồ ạt khiến các cầu thủ của đội bóng này thiếu độ ăn khớp lên, vẫn hay thua đậm. Tuy vậy, gần đây, xem kỹ Indonesia đá, chúng ta có thể thấy rõ họ bắt đầu có nét dần. Vậy nên, việc đội tuyển Việt Nam sứt mẻ nhiều vị trí để thua trước đối thủ này cũng không có gì quá lạ.
Ở đây, nhiều người nói yêu đội tuyển, trách HLV sao không cho những cầu thủ trụ cột, có nhiều kinh nghiệm từ thời HLV Park vào đá thay vì chỉ dùng cầu thủ trẻ? Nhưng họ đâu biết những cầu thủ ấy người vẫn chấn thương, người đánh mất phong độ, lứa cũ ấy đã dần chững lại. Sao không tự hỏi trước kia tất cả giải đấu, dù gặp đội yếu hay mạnh, ông Park vẫn luôn chỉ dùng một đội hình, không bao giờ tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ đá xen kẽ, ngay cả đá giao hữu. Vậy thì sao chúng ta có được một lớp kế cận đủ tốt?
Không phủ nhận công lao của HLV Park với bóng đá Việt Nam, tuy nhiên việc thiếu lớp kế cận là một điểm yếu đã rõ. Cộng thêm công tác tuyển chọn, đào tạo trẻ ở Việt Nam vẫn rất kém, cầu thủ đỡ bóng văng vài mét, chất lượng giải V-League không được cải thiện, cầu thủ trẻ ít được trao cơ hội ở CLB, vậy thử hỏi lứa trẻ biết tích lũy kinh nghiệm từ đâu, ra đấu trường lớn làm sao đá tốt?
Thế nên, tôi cho rằng, việc đổ hết tội lỗi sau thất bại cho HLV Troussier là không thật thỏa đáng. Chúng ta đang ngày một đi xuống, các nhà tài trợ cũng dần vắng bóng, vậy lấy đâu sự khích lệ tinh thần cho tuyển thủ? Cứ nhìn cái sân vận động Mỹ Đình như mặt ruộng thì lấy đâu đòi hỏi nâng tầm bóng đá? NHM có lẽ chỉ còn biết tạm hy vọng vào tương lai mà thôi. Hãy biết thực lực của ta ở đâu, biết đâu sau lần thua cay đắng này, tháng ba tới gặp lại Indonesia, chúng ta sẽ lại thắng họ để đòi lại món nợ này.
Nói thêm về lối chơi kiểm soát bóng, nói nôm na, nó như tổng hợp của tất cả các đấu pháp, là lối chơi hiện đại. Trong đó, cầu thủ phải biết cầm bóng trong tấn công lẫn phòng thủ, mục đích là giữ nhịp độ thế trận, hạn chế cho đối thủ cầm bóng và hạn chế bàn thua. Nhưng điều này khá mới mẻ, lạ lẫm với các cầu thủ Việt Nam vốn quen với lối chơi phòng thủ có phần lỗi thời.
Ông Park quen dùng nguyên một đội hình, kể cả cầu thủ chớm chấn thương thì cũng có trong danh sách triệu tập thi đấu. Ngược lại ông Troussier sẵn sàng loại ngay cả các cầu thủ vốn được cho là số một hiện tại như Hoàng Đức, Công Phượng, Quang Hải... nếu họ không tuân thủ đấu pháp, không chịu thay đổi, Mục đích của ông Troussier là đan xen giữa cầu thủ cũ và mới nhằm tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ, tạo tính cạnh tranh cho tất cả các cầu thủ. Tôi tin đó là cách dùng người hợp lý.
Trong bóng đá, thắng thua là chuyện bình thường, đôi khi cần những trận thua để cầu thủ tích lũy thêm kinh nghiệm, cũng như để họ biết mình đang ở đâu mà cố gắng. Có thành công nào mà chưa từng trải qua thất bại? Muốn thành công thì cần có nguồn lực đầu tư dài hạn, các "HLV online" có biết để được như ngày nay thì Nhật Bản và Hàn Quốc cần bao nhiêu năm, mất bao tiền không?
Đừng ảo tưởng viển vông nữa, lứa cầu thủ cũ người chấn thương liên miên, người xuống phong độ, lứa trẻ thì yếu kém, thấp bé. Muốn sau này phát triển thì chúng ta cần có thời gian đầu tư, tuyển chọn, đào tạo, cần kinh phí... Thay bằng việc mơ mộng, chỉ trích, tôi mong NHM Việt Nam hãy ủng hộ đội tuyển đi lên.
Xin nói thêm, tầm này có mời HLV nổi tiếng thế giới về thì cũng không ai vực dậy ngay đội tuyển của chúng ta được. Các cụ có câu "Có bột mới gột lên hồ" là vì thế. Trình độ chưa cao thì làm sao dám ảo tưởng, vài thất bại cũng sao phải buồn? Điều quan trọng là chúng ta có sao dùng vậy, NHM cũng nên cổ vũ đội tuyển thay vì chê trách, thành công nào mà không kèm theo thất bại? Có thử thách, có thất bại thì mới mong có thành quả sau này.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.