Hành trình các đội bóng Đông Nam Á ở sân chơi lớn nhất châu lục đã kết thúc sau khi Thái Lan và Indonesia bị loại ở vòng 1/8. Nhìn lại hành trình của các đội tuyển đại diện khu vực Đông Nam Á ở giải đấu vừa qua, chúng ta thấy gì?
Thái Lan vẫn là lá cờ đầu của bóng đá khu vực
Trước giải đấu này, Thái Lan đã có tổng cộng sáu lần tham dự trước đó ở các năm 1992, 1996,2000, 2004, 2007, 2019 với thành tích cao nhất là lọt vào vòng 1/8 năm 2019. Tuy nhiên, trước giải đấu này họ đối mặt với nhiều vấn đề nội bộ như: mâu thuẫn giữa những người trong Liên đoàn, cầu thủ Ekanik Panya từ chối tập trung đội tuyển, chấn thương của hai trụ cột là Dangda, Chanathip..., mới sa thải HLV Polking và bổ nhiệm HLV Ishi - người chưa có kinh nghiệm làm huấn luyện viên ở đội tuyển quốc gia - với bản hợp đồng có vỏn vẹn ba tháng.
Các trận giao hữu trước Asian Cup của Thái Lan cũng không mấy khả quan khi họ thua Georgia 0-8, thua Nhật Bản 0-5. Điều đó khiến các cổ động viên xứ chùa Vàng khá bi quan về đội nhà ở kỳ Asian Cup lần này. Thế nhưng, vượt qua tất cả, Thái Lan đã thi đấu cực hay để chễm chệ ở vị trí thứ hai bảng đấu với thành tích một thắng, hai hòa, ghi được hai bàn thắng, và không để thủng lưới bàn nào.
Đáng nói hơn, Thái Lan đã từ bỏ lối đá kiểm soát bóng thường thấy mà thay vào đó họ chơi phòng ngự số đông, sẵn sàng cho các tình huống phản công nhanh. Họ thường chỉ dùng 2-3 đường chuyền là các tiền đạo có thể áp sát vòng cấm đội bạn. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ kiểm soát bóng của Thái Lan ở vòng bảng là 45% ở trận gặp Kygryzstan, 30% ở trận gặp Oman, và 40% ở trận gặp Saudi Arabia. HLV Ishi cũng từng thừa nhận "đá tử thủ để kiếm một điểm trước Oman".
Tuy nhiên, có thể thấy các tình huống lên bóng của Thái Lan cực kỳ nguy hiểm. Theo thống kê của Fotmob: "'Voi chiến' đứng thứ tư trong danh sách các đội có nhiều cơ hội ghi bàn ngon ăn nhất (9 lần) và họ cũng bỏ lỡ không ít cơ hội (7 lần). Đặc biệt, trong trận gặp Saudi Arabia, dù thay toàn bộ đội hình chính thức, Thái Lan vẫn kiên cường cầm hòa đối thủ này với tỷ số 0-0.
Với độ tuổi trung bình 28,7 - đứng thứ năm trong các đội có độ tuổi trung bình lớn nhất, Thái Lan mang đến giải lần này đa phần là các cầu thủ giàu kinh nghiệm. Cầu thủ trẻ nhất của họ là Suphanat (22 tuổi) nhưng đã khẳng định được trình độ của mình ở Bỉ. Chỉ trong vòng hai tháng, ông Ishi đã giúp Thái Lan chuyển đổi lối đá một cách vô cùng hợp lý và lập tức đạt được kết quả tốt nhất.
Tất nhiên, ở vòng 1/8, trước đối thủ Uzerbekistan ở đẳng cấp khác hẳn, Thái Lan đã hoàn toàn lép vế. Điều này không quá bất ngờ bởi thất bại là điều được dự báo từ trước. Nhưng xét về tổng thể, đây là một giải đấu cực kỳ thành công của Thái Lan khi họ đạt được tất cả những mục tiêu đề ra, đồng thời lấy lại niềm tin của người hâm mộ sau những lùm xùm trong thời gian vừa qua.
>> HLV Troussier 'lệch pha' bóng đá Việt
Cuộc thay đổi mang nhiều tranh cãi của đội tuyển Việt Nam
Trước giải đấu lần này, Việt Nam đã tham dự hai kỳ Asian Cup vào các năm 2007 và 2019 với thành tích gần nhất là lọt vào Tứ kết. Đây thành tích cao nhất trong tất cả các đội Đông Nam Á từng dự giải đấu này. Trước thềm Asian Cup Việt Nam là đội có thứ hạng FIFA cao nhất (hạng 95) trong khu vực, và được một tờ báo của Iraq đánh giá là đội duy nhất của Đông Nam Á có khả năng giành quyền vào vòng knock-out.
Sự chuẩn bị của đội tuyển Việt Nam trước giải đấy cũng là không ít khi chúng ta liên tục được thi đấu với các đội bóng mạnh của khu vực (gồm cả giao hữu và Vòng loại World Cup) như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Iraq... đến các đội bóng ngang cơ như Kygryzstan, Phillipines. Dù chỉ thắng được một trận trước đối thủ cùng khu vực, nhưng Việt Nam vẫn cho thấy nhiều điểm sáng ở tỷ lệ kiểm soát bóng và khả năng tự tin giữ bóng ở phần sân nhà.
Các cầu thủ trẻ của ông Troussier đã thi đấu khá tự tin trước các đối thủ lớn nên dù bị chấn thương tàn phá gần cả đội hình, nhưng với dàn cầu thủ trẻ trong tay và những cầu thủ kinh nghiệm có phong độ tốt như: Hùng Dũng, Quang Hải, Tấn Tài, Văn Thanh, Philip Nguyễn, Bùi Hoàng Việt Anh... VFF và ông Troussier vẫn tự tin với chỉ tiêu vượt qua vòng bảng.
Đem đến Asian Cup lần này với đội hình có độ tuổi trung bình thấp thứ hai (25,3 tuổi), HLV người Pháp khiến nhiều người nghi ngờ về triết lý của mình. Không ít trong số đó không tin vào thành công của đội tuyển trước khi giải đấu diễn ra. Tuy nhiên, sau trận ra quân gặp Nhật Bản, người hâm mộ bóng đá nước nhà đã phải thay đổi suy nghĩ. Chứng kiến các cầu thủ trẻ Việt Nam tự tin giữ bóng, chuyền bóng, ghi hai bàn vào lưới Nhật Bản, có thời điểm còn vươn lên dẫn trước, nhiều người bắt đầu nghĩ về một tương lai tươi sáng cho bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, mọi thứ đã sụp đổ khi chúng ta để thua ở cả hai trận đấu còn lại trước Indonesia và Iraq. Hoàn toàn bế tắc khi không thể ghi bàn vào lưới đối thủ cùng khu vực, thầy trò HLV Troussier đã trở thành đội bóng Đông Nam Á đầu tiên bị loại khỏi giải. Những quyết định nhân sự khó hiểu của ông thầy người Pháp, cùng lối chơi kiểm soát bóng của ông tiếp tục bị đưa ra mổ xẻ trên khắp các diễn đàn.
Thất bại trước Iraq trong trận đấu cuối cùng mang ý nghĩa danh dự đã khép lại một kỳ Asian Cup tệ nhất trong lịch sử những lần tham dự của đội tuyển Việt Nam. Bốn bàn thắng, tám bàn thua, chịu ba quả penalty, hai thẻ đỏ, và không có nổi một điểm nào, cùng với tỷ lệ kiểm soát bóng lần lượt là 42% ở trận gặp Nhật Bản, 57% trước Indonesia và 37% ở trận gặp Iraq... tất cả con số thống kê đáng buồn trên làm dấy lên sự phẫn nộ và nghi ngờ từ phía người hâm mộ và cả giới chuyên gia về HLV người Pháp.
Mặc dù ông Troussier luôn nói "đội tuyển đang tiến bộ", nhưng các chỉ số thống kê lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Nhìn đội tuyển thi đấu, người hâm mộ Việt Nam thậm chí còn có cảm giác chúng ta công không được mà thủ cũng không xong. Trong số bốn bàn thắng ghi được, có đến ba bàn tới từ các tình huống cố định. Cả giải đấu, Việt Nam có 20 pha dứt điểm nhưng 45% trong số đó đến từ bóng chết - một tỷ lệ tương đối cao.
Mặt khác, 40% các pha dứt điểm của chúng ta ở ngoài vòng cấm địa đối phương. Ngoại trừ tình huống ghi bàn của Quang Hải, thật khó để tìm ra một pha bóng dàn xếp tấn công nào thực sự có nét của đội tuyển. Ngoài ra, trong bảy cú dứt điểm của Việt Nam trong vòng cấm địa đối phương, số lượng cầu thủ trung bình của chúng ta góp mặt là 2,6 - tức là quá ít để có thể gây áp lực lên hàng phòng ngự đối thủ.
Việt Nam cũng phải nhận đến 53 cú sút về phía khung thành sau ba trận, với 16 cú sút trúng đích (tỷ lệ khoảng 30%) và nhận tám bàn thua. Nghe qua thì có vẻ khả quan, nhưng nhìn vào các chỉ số thống kê, có thể thấy, nếu không có sự xuất sắc của thủ môn Phillip Nguyễn, chúng ta đã có thể thua đậm hơn. Chi tiết hơn, trong các bàn thua của chúng ta, có hai bàn đến từ phạt góc, ba bàn là các tình huống tấn công trung lộ, hai quả phạt đền, một tình huống đến từ bên cánh. Điều này chứng tỏ chúng ta có thể để lọt lưới ở mọi tình huống và mọi hướng tấn công của đối thủ - một hệ thống phòng ngực cực kỳ mong manh, dễ vỡ.
Nếu như nói các đội Nhật Bản và Iraq ở trình độ cao hơn nên chúng ta bị áp đảo là chuyện bình thường, thì ngay cả khi khi đối đầu với một đối thủ quen thuộc và có trình độ ngang với chúng ta là Indonesia, các cầu thủ Việt Nam cũng để họ tung đến 16 cú sút và năm lần thủ môn Philip Nguyễn phải trổ tài cứu thua. Rõ ràng, đó không phải là một thông số tốt đối với một đội tuyển được định hướng tranh vé dự World Cup.
Có thể nói, nếu hàng công không tạo được áp lực trước đối thủ thì hàng phòng ngự sẽ phải gánh chịu sức ép. Nếu hàng phòng ngự cũng không vững vàng thì thất bại là điều tất yếu. Chúng ta có thể tiếc nuối vì chỉ thua Iraq ở phút cuối, nhưng nếu nhìn toàn cục màn trình diễn của các cầu thủ của chúng ta thì thất bại là hoàn toàn xứng đáng và hiển nhiên.
Sau hành trình ở Asian Cup lần này, có thể khẳng định bóng đá Đông Nam Á vẫn là kẻ "chầu rìa" ở ngày hội bóng đá lớn nhất châu lục. Các đội bóng ở vùng trũng có thể gây đôi chút bất ngờ, gây khó khăn cho những cái tên lớn của châu lục, nhưng chung quy vẫn thua kém ở mọi chỉ số, từ thể lực, số đường chuyền, tỷ lệ tranh chấp... đến số pha đứt điểm, số cơ hội tạo ra. Và khi chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với các đội bóng hàng đầu châu Á thì có lẽ World Cup vẫn chỉ là một giấc mơ rất xa vời.
Tuy nhiên, dù đều đã bị loại nhưng màn trình diễn của mỗi đội lại để lại những ấn tượng hoàn toàn khác nhau. Trong khi Thái Lan từ bỏ lối đá pressing để đạt được những tín hiệu tích cực với lối chơi phòng thủ phản công, thì câu chuyện của đội tuyển Việt Nam lại đi theo hướng ngược lại. Chúng ta từ bỏ lối đá phòng thủ từng làm nên thương hiệu và mang về rất nhiều danh hiệu trong những năm qua, để chuyển sang lối đá kiểm soát bóng không thực sự phù hợp. Hệ quả là những thành tích đáng buồn, những bước lùi của đội tuyển quốc gia. Đó sẽ là bài toán không hề dễ giải với những người làm bóng đá nước nhà.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.