Huyết áp thấp là bệnh thường gặp ở nhiều lứa tuổi. Chỉ số huyết áp dưới 100/60 mmHg được coi là huyết áp thấp. Nhiều người thường nghĩ huyết áp cao mới là nguyên nhân dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, nhưng trên thực tế huyết áp thấp cũng đáng lo ngại.
Theo các nhà khoa học, tập thể dục là một trong những cách đơn giản để cơ thể khỏe mạnh và giúp tăng cường lưu thông máu. Dưới đây là các bài tập hỗ trợ cho người mắc bệnh huyết áp thấp.
Đi bộ nhanh
Đi bộ là môn thể thao đơn giản, dễ thực hiện. Theo các nhà khoa học, đi bộ sẽ giúp rèn luyện cơ thể nhẹ nhàng, các múi cơ hoạt động nhưng không gây ảnh hưởng tới dây chằng, khớp. Với người bệnh huyết áp thấp, bài tập này còn có thể củng cố thành mạch, nâng cao khả năng đẩy máu của tim. Do đó, người bệnh nên đi bộ 5-10 phút trong ngày. Khi đã quen với cường độ, bạn có thể tăng thời gian dần lên 30 phút mỗi ngày.
Bài tập dựa tường
Bài tập dựa tường (Legs up the wall) có thể giúp thư giãn, lưu thông máu. Bài tập này không cần bất kỳ dụng cụ nào. Bạn có thể tập mọi nơi trong nhà hoặc thậm chí ngay trên giường. Tuy nhiên, bạn không nên tập khi bụng no mà hãy bắt đầu tập sau khi ăn 45 phút. Người lớn tuổi hoặc sức yếu cần thao tác nhẹ nhàng, tránh thay đổi tư thế quá đột ngột.
Bước 1: Lựa chọn vị trí sát cạnh tường và nằm xuống.
Bước 2: Cố gắng điều chỉnh tư thế vuông góc với tường, giữ hai chân và mông áp chặt vào tường, hai tay để xuôi dọc theo thân. Nếu không có thảm bạn có thể kê gối dưới lưng.
Bước 3: Nhắm mắt và hít thở đều đặn trong khoảng 10-15 phút.
Bước 4: Lưu ý khi hạ chân xuống cần co chân và gập đầu gối nhẹ nhàng, từ từ cong người và đầu theo tư thế ôm chặt đầu gối. Sau đó thả lỏng cơ thể, nghỉ vài giây trước khi ngồi dậy.
Tập yoga
Một số tư thế yoga có thể giúp người huyết áp thấp tăng cường khả năng tuần hoàn máu tới các cơ quan và kích thích thận sản sinh ra một loại hormone giúp tăng huyết áp như bài tập cúi gập người (Uttanasana).
Đầu tiên, đứng thẳng người, hai tay, vai thả lỏng, hít một hơi thật sâu rồi giơ hai tay lên qua đầu. Sau đó thở nhẹ và cúi đầu gập người về phía trước. Mỗi lần thở ra cố gắng gập người xuống sâu hơn, hai tay có thể thả lỏng hoặc chạm xuống đất. Giữ nguyên tư thế 30-60 giây, sau đó hít vào, chầm chậm gập hai đầu gối, rướn người đứng lên, trở về tư thế ban đầu.
Lưu ý khi tập luyện
TS.BS Natasha Trentacosta - chuyên gia y học thể thao và bác sĩ chấn thương chỉnh hình tại bệnh viện Cedars Sinai (California, Mỹ) chia sẻ trên tờ Livestrong, người bị hạ huyết áp nên thay đổi tư thế từ từ, chẳng hạn như đứng lên sau khi thực hiện các bài tập trên ghế dài hoặc mặt đất để ngăn ngừa hạ huyết áp thế đứng.
Người bệnh cũng nên uống đủ nước dựa trên nhu cầu của mỗi người. Bởi khi cơ thể bị mất nước sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng huyết áp thấp, từ đó xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, khát nước và khô miệng.
Nếu huyết áp thấp của bạn bắt nguồn từ bệnh tim, tiểu đường hoặc các tình trạng nghiêm trọng khác, người bệnh nên dành thời gian khởi động để ổn định nhịp tim. Sau đó, tăng cường độ tập dần dần và giảm tốc độ nếu bạn nhận thấy các triệu chứng như suy nhược, mệt mỏi bất thường, mạch không đều, lú lẫn hoặc chóng mặt. Khi kết thúc bài tập, hãy thực hiện thêm các động tác kéo giãn hoặc căng cơ.
Người bị huyết áp thấp nên tập thể dục thường xuyên tùy theo sức; không nên tập cố, cũng không nên tập khi đói hay ngay sau khi ăn no.
Huyền My (Theo Livestrong)