Chị Phương Lam (quê Trà Vinh) lập gia đình rồi chuyển đến thành phố Westminster, bang California, Mỹ, định cư 10 năm nay. Làm việc ở văn phòng luật sư chuyên về luật di trú, chị có được nguồn thu nhập tốt nhưng cuộc sống chưa trọn vẹn bởi nhiều năm không có con. Mỗi tuần văn phòng tiếp nhận hàng chục hồ sơ xin nhập cư Mỹ, yêu cầu độ chính xác tuyệt đối và gấp rút về thời gian khiến chị gặp không ít áp lực, nhất là vừa làm việc và điều trị hiếm muộn.
Năm 2017, chị Lam phẫu thuật loại bỏ polyp trong tử cung. Sau một thời gian, chị đến bác sĩ đông y để điều trị châm cứu, mang song thai nhưng không may thai lưu ở tuần thứ 7. Năm 2020, vợ chồng chị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Nhiều hôm vừa rời bệnh viện, chị tức tốc trở về văn phòng tăng ca để hoàn thành công việc, mệt lả. Kết quả, hai lần chuyển phôi đều thất bại.
Bác sĩ ở Mỹ chẩn đoán chị Lam gặp tình trạng kết dính giữa các bộ phận và cơ quan sinh sản do tiền căn vỡ ruột thừa cấp phải phẫu thuật vùng bụng dẫn đến khó mang thai. Ngoài ra, dự trữ buồng trứng (AMH) suy giảm chỉ còn 0,7 (phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có AMH trung bình 2-6 ng/ml), nếu trì hoãn IVF, chị có nguy cơ phải xin trứng để thụ tinh.
Sau nhiều ngày đắn đo, chị Lam trao đổi với chồng về quyết định nghỉ việc để tập trung điều trị hiếm muộn. "Chồng tôi ủng hộ vợ bởi công việc có thể kiếm lại được, còn muốn có con thì không thể trì hoãn thêm", chị kể.
Chị Lam cho hay một ca IVF ở Mỹ có giá khoảng hơn 30.000 USD (hơn 700 triệu đồng). Trong khi, chi phí ở Việt Nam chỉ bằng 1/7, công nghệ điều trị tương đương các nước phát triển, tỷ lệ IVF thành công cao hơn. Trước đó, tổng chi phí các lần điều trị của hai vợ chồng, bao gồm IVF, điều trị đông y châm cứu suốt hai năm, đã lên tới gần 100.000 USD (khoảng 2,4 tỷ đồng).
"Mệt mỏi, áp lực sau nhiều lần thất bại, chúng tôi quyết định về Việt Nam tìm con, vừa tiết kiệm chi phí lại được gần gia đình", chị Lam nói.
Đầu năm 2023, họ về nước, đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCMC) khám. Bác sĩ Lê Xuân Nguyên cho biết bệnh nhân hội tụ tất cả những yếu tố phức tạp gồm lớn tuổi, siêu âm vùng bụng có nhiều kết dính, u lạc nội mạc tử cung, IVF và các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác thất bại nhiều lần, chỉ số AMH thấp.
"Bệnh lý có thể điều trị được nhưng tuổi tác và suy giảm buồng trứng thì rất khó", bác sĩ Nguyên cho hay.
Suy giảm dự trữ buồng trứng là tình trạng buồng trứng cạn kiệt trước 40 tuổi, số nang trứng trên hai buồng trứng còn lại rất ít dẫn đến khó có con tự nhiên, ảnh hưởng đến quá trình thụ thai, giảm tỷ lệ thành công khi thực hiện IVF.
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy tỷ lệ suy buồng trứng sớm toàn cầu là khoảng 3,7%. Hiện Việt Nam chưa có thống kê về tỷ lệ này. Tại IVFTA-HCMC, khoảng 50% bệnh nhân dưới 40 tuổi dự trữ buồng trứng thấp, giảm dự trữ buồng trứng đang được điều trị hỗ trợ sinh sản bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Chị Lam được chỉ định gom trứng nhiều chu kỳ. Sau 3 chu kỳ, chị có 18 nang trứng, nhiều hơn so với những lần trước thực hiện ở Mỹ. Tuy nhiên đến 50% số trứng này có chất lượng kém. Kết quả thụ tinh tạo được 9 phôi, trong đó 4 phôi ngày 5 được sinh thiết sàng lọc di truyền, có hai phôi bình thường.
Với IVF, tình trạng kết dính trên buồng trứng không cần can thiệp. Sau 3 tháng điều trị lạc nội mạc tử cung và chuẩn bị nội mạc đủ điều kiện, bệnh nhân được chuyển một phôi ngày 5, đậu thai ngay. Thai nhi hiện 9 tuần phát triển khỏe mạnh.
Bác sĩ Nguyên cho hay thời gian qua IVFTA-HCMC đã tiếp nhận khám và hỗ trợ điều trị vô sinh hiếm muộn cho nhiều bệnh nhân là Việt kiều, bao gồm cả khám qua online và trực tiếp tại bệnh viện. Sau khi khám online, nhiều bệnh nhân thu xếp thời gian về Việt Nam, đến bệnh viện điều trị.
Những bệnh nhân này gặp một số khó khăn khi điều trị IVF tại các nước khác như hạn chế trong giao tiếp, đặt hẹn khó, chờ đợi lâu và trung tâm hoặc chuyên gia được sắp xếp không đúng nguyện vọng. Chi phí IVF ở các nước cao, nhiều bệnh nhân chưa đủ điều kiện kinh tế nên trì hoãn điều trị, dẫn tới mất thời gian "vàng" trong hỗ trợ sinh sản.
"Tại Việt Nam, họ giao tiếp với bác sĩ dễ dàng, đặt hẹn thuận lợi, được điều trị và chăm sóc với dịch vụ tốt, trong khi chi phí thấp so với các nước", bác sĩ Nguyên cho biết.
Theo ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVFTA-HCMC, tại Việt Nam nói chung và trung tâm này nói riêng, lĩnh vực hỗ trợ sinh sản đã làm chủ được nhiều kỹ thuật hiện đại trên thế giới. Điển hình như kỹ thuật trữ và rã đông trứng đạt tỷ lệ tạo phôi thành công từ trứng rã tương đương trứng tươi 97%. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân có dự trữ buồng trứng thấp gom trứng hoặc gom phôi thành công, nâng cao tỷ lệ có con mà không phải xin trứng.
Các kỹ thuật khác như tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), nuôi phôi bằng hệ thống tủ nuôi cấy trang bị camera quan sát liên tục và tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao chất lượng phôi. Trước khi chuyển phôi, bệnh nhân được điều trị các bệnh lý liên quan, chuẩn bị nội mạc tử cung theo phác đồ cá thể hóa, giúp tăng tỷ lệ đậu thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên.
Chị Lam cho hay nhiều người từng khuyên chị từ bỏ, chấp nhận cuộc sống không con. "Tôi về Việt Nam để tìm hy vọng cuối cùng, nếu thất bại cũng không hối hận. May mắn nỗ lực đã được đền đáp", chị nói.
Chị dự định cuối tháng 12 bay về Mỹ để dưỡng thai và sinh nở, chăm sóc con. Khi em bé cứng cáp, chị sẽ trở lại với công việc trước đây, bởi được sếp cũ cảm thông và tạo điều kiện.
Hoài Thương
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
20h ngày 15/11, chương trình giao lưu trực tuyến "Lạc nội mạc tử cung và các bệnh lý tử cung gây vô sinh: u xơ tử cung, polyp tử cung, dính buồng tử cung và dị dạng tử cung" được phát trên fanpage VnExpress và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Các bác sĩ tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM sẽ tư vấn dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị những bệnh lý này giúp vợ chồng vô sinh sớm có con. Độc giả đặt câu hỏi tại đây. |