Trả lời:
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn, các tế bào miễn dịch tấn công nhầm màng hoạt dịch của khớp, khởi phát quá trình viêm. Bệnh có biểu hiện tại các khớp nhỏ, sưng đau, cứng khớp buổi sáng, cơn đau lan ra xung quanh. Sụn khớp bị phá hủy khiến các cử động hạn chế, thậm chí biến dạng khớp.
Viêm khớp dạng thấp hiện chưa có biện pháp chữa trị dứt điểm. Mục tiêu điều trị là giảm nhẹ triệu chứng và kiểm soát bệnh. Bổ sung axit béo omega-3 có thể hỗ trợ giảm triệu chứng, giảm liều lượng các loại thuốc đang dùng để điều trị.
Axit béo omega-3 chứa EPA và DHA có khả năng ngăn chặn sự tổng hợp prostaglandin E2 và leukotriene B4 (các chất trung gian gây viêm khớp dạng thấp). EPA và DHA làm thay đổi các phản ứng miễn dịch liên quan đến sinh lý bệnh, bao gồm phản ứng của tế bào T, giảm oxy phản ứng bởi bạch cầu và giảm sản xuất cytokine gây viêm bởi đại thực bào.
Bạn có thể bổ sung omega-3 hàng ngày từ các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá cơm, cá ngừ và thực phẩm bổ sung theo tư vấn của bác sĩ hoặc hướng dẫn từ nhà sản xuất. Lạm dụng omega-3 có nguy cơ gây buồn nôn, phát ban, ợ nóng, tiêu chảy và dư vị tanh.
Tuy nhiên, có thể bạn phải mất từ 3 tháng hoặc nhiều hơn mới cảm thấy có tác dụng tốt đến bệnh viêm khớp.
Bạn nên đi khám định kỳ hoặc khi có triệu chứng khởi phát nặng để được bác sĩ tư vấn điều trị, có thể dùng thêm các thuốc giảm đau, kháng viêm.
Bạn cần ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh thực phẩm nhiều muối, đường, uống đủ nước. Bạn nên không sử dụng thuốc lá và rượu bia, giữ cân nặng vừa phải, tập luyện 30 phút thể thao mỗi ngày.
Bổ sung các dưỡng chất có tác động vào quá trình viêm tại khớp như collagen type 2 không biến tính và collagen peptide thủy phân, turmeric root (chiết xuất củ nghệ), chondroitin sulfate, eggshell Membrane (chiết xuất màng vỏ trứng)... có thể giảm triệu chứng và hạn chế tái phát bệnh.
Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến
Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |