(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Đọc bài viết 'Học phí trường Y gần 100 triệu đồng không đắt' của bác sĩ Nguyễn Tuấn Định về học phí ngành Y tôi thấy khoản học phí này khá sát với thực tế. Tuy nhiên, tôi không đồng ý về khoản lương bổng. Gia đình, họ hàng tôi có rất nhiều người hành nghề bác sĩ, lương bổng không thấp như vậy.
Ngành Y là ngành phải đào tạo liên tục kể cả khi đã tốt nghiệp ra trường. Dù anh có học vị tiến sĩ Y khoa cũng vẫn phải tự đào tạo. Năm nào cũng có những phương pháp chữa bệnh mới, thuốc điều trị mới được quảng bá trong các hội thảo chuyên ngành trong và ngoài nước. Khi còn ngồi ghế nhà trường, sách giáo khoa, tài liệu nghiên cứu cũng là những quyển sách mới nhất. Những quyển sách này chúng ta phải mua của nước ngoài với tiền bản quyền rất cao. Rồi phải có bác sĩ giỏi ngoại ngữ dịch ra tiếng Việt. Người biết tiếng Anh giỏi cỡ nào nhìn vào những quyển sách này cũng phải bó tay chịu thua vì đầy những thuật ngữ chuyên ngành chỉ dân trong nghề mới hiểu được. Cho dù người Anh bản xứ mà không học Y khoa cũng đọc không hiểu nói chi người Việt.
Không riêng gì ngành Y, bất cứ ngành nào luôn cập nhật sách giáo khoa đều phải chịu học phí cao. Còn học phí thấp, người ta biết chỉ học với sách giáo khoa cũ, chương trình cũ lâu năm chưa cập nhật tri thức mới. Ngoài chi phí sách vở ra, nhà trường còn phải mua hóa chất ngâm tẩm xác (vô thừa nhận hoặc hiến tặng) để các bác sĩ tương lai học giải phẫu cơ thể người bằng phương pháp trực quan, các dụng cụ dùng trong phẫu thuật (một con dao mổ bé tí thôi cũng 3.000 USD).
Tiếp theo là các trang thiết bị mà mọi bệnh viện đều phải có như máy xét nghiệm, máy chụp X-quang, máy chụp cắt lớp MRI, máy dò siêu âm màu...chẳng có thiết bị nào dưới 50.000 USD cả. Chưa kể chi phí vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, cần nhân viên chuyên nghiệp với các loại máy móc đó. Nếu sắm đủ, chi phí cũng phải vài triệu USD. Nếu chỉ dùng những trang bị này để dạy học, khả năng thu hồi vốn xem như bằng "0".
Đó là lý do nhiều nhà trường phải mở bệnh viện trực thuộc vừa khám bệnh vừa dạy học để thu hồi vốn. Ở bệnh viện này, ta thường thấy một giáo sư bác sĩ và một sinh viên y khoa năm cuối trong bất kỳ phòng khám của bất kỳ khoa nào. Điều này cũng giải thích vì sao trường Y phải đặt điểm chuẩn thật cao để tuyển sinh vì không đủ giáo sư kèm cặp cho sinh viên năm cuối. Càng ít sinh viên học, tổng học phí cũng ít tương ứng, càng không đủ chi phí hoạt động, tạo thành cái vòng lẩn quẩn không có lối ra, đến nay đã hàng chục năm rồi.
>> 'Đừng lấy lương tháng đánh giá lương tâm bác sĩ vì họ cũng cần tiền để sống'
Các trường khác có thể tuyển hàng nghìn sinh viên, riêng trường Y không thể. Hồi vợ tôi mới tốt nghiệp Y khoa, cô ấy có thể khám bệnh, nhưng khi viết đơn thuốc thì viết không được. Một thứ thuốc thì đơn giản (chỉ việc "đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng") nhưng vài thứ thuốc thì cô ấy không dám chắc chúng có phản ứng gì với nhau không, nên thường phải gọi điện cho giáo sư để xin tư vấn. Liên tục như thế 5 năm, cô ấy mới tự tin viết đơn thuốc. Chuyện nhỏ như vậy thôi đã mất 5 năm nói gì những chuyện to tát hơn. Bây giờ thì cô ấy đã rất chuyên nghiệp trong việc viết đơn thuốc, có thể tư vấn cho bệnh nhân vì sao phải dùng thuốc này mà không dùng thuốc kia bằng ngôn từ dễ hiểu nhất.
Bệnh viện nơi vợ tôi làm việc là bệnh viện Nhà nước tự chủ tài chính. Lương bác sĩ mới ra trường là 15 triệu đồng; lương cử nhân điều dưỡng là 10 triệu một tháng; mức 5–6 triệu là lương của điều dưỡng viên trung cấp; lương bác sĩ chuyên khoa là 20–40 triệu tùy theo thâm niên và học vị. Mỗi năm có bốn kỳ lễ Tết, mỗi kỳ nhân viên được thưởng 1-3 tháng lương. Xét tuyển nhân viên, ai qua được phỏng vấn thì vào làm, không tốn một xu đút lót hối lộ.
Lương cao là nhờ bệnh viện hạch toán độc lập trên từng bộ phận, từng phòng khoa cũng như công khai minh bạch cách tính lương. Trong bệnh viện lắp đặt gần 200 camera, ai nhận tiền lót tay của bệnh nhân sẽ bị sa thải, ai có thái độ không tốt với bệnh nhân sẽ bị trừ lương, ba lần bị trừ lương trong một năm cũng bị sa thải. Ai "chạy sô" trong giờ hành chính, giờ trực ca, cũng bị sa thải. Như vậy, không có chuyện lương bác sĩ 5 triệu đồng mỗitháng, trừ khi bệnh viện ấy quá vắng bệnh nhân, bác sĩ không có việc gì để làm.
Thiếu bác sĩ chuyên khoa thì bệnh viện thuê bác sĩ đã về hưu tiếp tục làm việc, trong đó có không ít giáo sư. Trước kia, bệnh viện của vợ tôi cũng trả lương bác sĩ là 10 triệu đồng, chuyện nhảy việc xảy ra như cơm bữa, nhưng từ khi có Giám đốc mới, mọi thứ thay đổi hẳn. Như vậy, lương cao hay thấp là nhờ tài năng của lãnh đạo. Lãnh đạo giỏi thì nhân viên được nhờ, lãnh đạo kém năng lực thì nhân viên tìm việc ở nơi khác.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.