(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Những điều tác giả Lâm nói trong bài viết 'Lương bác sĩ Việt 20-40 triệu đồng là không thấp' không hẳn là cái gốc, mà đó chính là mảng xã hội hóa ngành Y, là cơ chế tự chủ trong tài chính của bệnh viện.
Ngành nào cũng vậy, nếu bạn giỏi thật sự và làm tốt thì khách hàng sẽ tìm đến. Khách hàng nhiều thì doanh thu sẽ nhiều, lợi nhuận cao và lương sẽ tỷ lệ thuận với lợi nhuận bạn tạo ra.
Ngành Y có chút đặc thù là liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Ngành khác sai lầm thì có thể sửa sai, riêng ngành Y không được phép sai - vì đi kèm với đó có thể là cả một sinh mạng con người. Cái này gọi là rủi ro nghề nghiệp.
Chất lượng đầu vào của Ngành Y cũng khác biệt, luôn đòi hỏi những người có học lực rất tốt. Hơn 10 năm nay, các trường Đại học Y luôn nằm trong top những trường tuyển sinh với điểm số cao nhất. Đó là hình thứ chọn lọc chất xám.
Thời gian đào tạo sinh viên ngành Y cũng là dài nhất: các hệ đa khoa thường là sáu năm; nên nhớ ra trường, sinh viên cũng chưa được làm ngay mà phải thực hành vài năm nữa mới được cấp Chứng chỉ hành nghề; và để được thừa nhận chuyên môn tốt cũng cần ít nhất thêm hai năm học Thạc sĩ/ CK1 nữa. Đó là quá trình đầu tư (thời gian và kiến thức).
Có một điều khác biệt nữa, tuy cùng là bác sĩ, nhưng mỗi chuyên khoa lại có một lợi thế riêng, mỗi bác sĩ ở vùng miền khác nhau lại có thuận lợi khác nhau... Ngay chính điều này đã tạo ra sự chênh lệch về mức lương thực tế của mỗi người. Những bác sĩ làm việc ở trạm y tế xã, huyện, nơi vùng sâu vùng xa... sẽ có thu nhập rất thấp.
Mấu chốt của ngành Y nên nằm ở cơ chế, là trợ cấp nghề nghiệp, trợ cấp theo khu vực, theo vùng miền; trợ cấp độc hại... Hãy đảm bảo cái bụng cho bác sĩ đủ no ấm, thì họ mới tận tâm với nghề, hết lòng với người bệnh được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.