Hôm nay (1/7), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực. VnExpress trao đổi với ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) về những điểm mới của Luật này.
- Theo quy định của luật thì từ hôm nay không còn cơ chế viên chức suốt đời. Điều này sẽ tác động như thế nào, thưa ông?
- Từ 1/7, viên chức - những người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập sẽ ký hợp đồng lao động với thời hạn 12 tháng đến 60 tháng, không còn hợp đồng vô thời hạn. Thay đổi này xuất phát từ tư tưởng cứ có chỗ trong đơn vị sự nghiệp công lập là chắc chân, không có động lực phấn đấu trong công việc cũng như phát huy sáng tạo để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội.
Mỗi người được tuyển sẽ phải nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ vì nếu không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ sẽ phải nhường cơ hội cho người nhiệt huyết hơn. Quy định này cũng xoá bỏ suy nghĩ vào được nhà nước là ổn định mãi mãi. Đây cũng là giải pháp chọn lọc tự nhiên để xã hội ngày càng được hưởng những dịch vụ tốt hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Tuy nhiên, để tránh việc viên chức được ký trong thời gian quá ngắn (quy định cũ là từ đủ 12 tháng đến 36 tháng), luật sửa đổi đã nâng thời gian ký hợp đồng lên tối đa 5 năm. Đây là khoảng thời gian tương đối để viên chức chứng tỏ năng lực, và cũng bảo đảm sự ổn định tương đối.
Nhằm hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra trên thực tế, luật cũng quy định, nếu đơn vị sự nghiệp còn nhu cầu, vị trí việc làm, viên chức nào được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ và không vi phạm thì người sử dụng lao động phải ký lại hợp đồng với những người này mà không được phép tuyển dụng mới.
Số lượng viên chức hiện nay rất đông, khoảng 1 triệu người, nên để đảm bảo sự ổn định, luật cũng quy định những người được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn được ký hợp đồng không xác định thời hạn.
- Có ý kiến cho rằng không còn viên chức suốt đời thì Nhà nước sẽ khó thu hút người tài. Ông nghĩ sao?
- Đề án cải cách tiền lương đang được thực hiện, thu nhập của công chức, viên chức sẽ tăng lên. Bên cạnh đó các đơn vị sự nghiệp công lập được khuyến khích tự chủ, tự cân đối nên sẽ có chính sách thu hút, giữ chân người giỏi.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế rằng nếu để cạnh tranh về tiền lương giữa khu vực công và khu vực tư, thì khu vực công không thể đáp ứng được vì tiền lương và các chế độ khác phải theo quy định chung của pháp luật. Vì vậy, nếu chỉ so về chế độ chính sách thì rất khó. Ở đây phải xuất phát từ cả 2 phía. Một mặt nhà nước có chế độ thu hút, đãi ngộ và có cơ chế để họ thể hiện được tài năng; mặt khác người có tài năng cũng đồng thời phải có nhiệt huyết công hiến cho xã hội, phục vụ công việc chung của đất nước, chứ nếu chỉ xuất phát từ một phía và cứ cân đong đo đếm thì không thể gặp nhau được. Và tôi thấy thực sự nhiều người giỏi không quá nặng chuyện thu nhập, vấn đề là phải đặt họ vào đúng vị trí, trao cho họ cơ hội để họ thực sự thể hiện được tài năng của mình.
Về cơ chế chính sách, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã bổ sung những người thuộc diện xét tuyển. Nếu như trước đây chỉ có cơ chế tuyển dụng đặc biệt với người cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay mở rộng xét tuyển với cả người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
Tỷ lệ xét tuyển, thi tuyển được minh bạch ngay trong kế hoạch tuyển dụng hàng năm của cơ quan, tổ chức để người dự thi nắm được thông tin, đưa ra lựa chọn tốt nhất.
- Nếu vì mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ thực thi công vụ, tại sao chỉ bỏ viên chức suốt đời mà không bỏ công chức suốt đời?
- Công chức là người thực thi các hoạt động công vụ, không chỉ đòi hỏi năng lực, sự tận tụy mà còn cả tính liên tục để bảo đảm các hoạt động hành chính được thông suốt. Dù vậy, công chức cũng không có nghĩa là ổn định suốt đời mà chúng tôi vẫn có cơ chế để đào thải những người không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Công chức, viên chức hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho thôi việc. Nhưng phải thừa nhận thời gian qua việc đánh giá còn nể nang, cảm tính nên chế tài chưa đem lại hiệu quả. Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này cũng nhằm mục đích giải quyết tồn tại này trong công tác đánh giá để làm sao công tác đánh giá thực chất và có ý nghĩa hơn.
- Việc đánh giá cán bộ sẽ thay đổi thế nào để tránh nể nang, cảm tính và không còn hiện tượng "hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực", thưa ông?
- Trong luật sửa đổi, bổ sung, chúng tôi đã sửa cụm từ "phân loại đánh giá" thành "xếp loại chất lượng" và bỏ mức đánh giá "hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực". Thay đổi này nhằm bảo đảm công tác đánh giá của cơ quan nhà nước liên thông với đánh giá đảng viên; đồng thời cũng xuất phát từ thực tiễn là rất ít trường hợp đánh giá ở mức này.
Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức phải gắn với vị trí việc làm thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; đối với công chức lãnh đạo, quản lý còn phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và không cao hơn mức xếp loại của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. Kết quả này được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến người được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ này công tác.
Luật giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan quản lý công chức đưa ra các tiêu chí đánh giá, ngoài đánh giá bắt buộc hàng năm, trước khi bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, người đứng đầu có thể quy định đánh giá theo tuần, quý, tháng. Quan trọng nhất trong đánh giá làm sao xuất phát từ công việc chung, không phải để tình trạng soi xét, mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Một điểm rất quan trọng trong xếp loại, đánh giá là về các tiêu chí, điều kiện đối với mức xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, theo đó phải có sáng kiến, giải pháp được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Ý tưởng của quy định này là cụ thể hóa tiêu chí phải có kết quả, sản phẩm cụ thể và ở một góc độ nào đó là tốt. Tuy nhiên trong thực tế việc triển khai còn hình thức. Có những sáng kiến thực sự không xứng tầm một "sáng kiến", nhưng vẫn được coi là căn cứ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời, công chức là những người thực thi pháp luật, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao nên không thể lấy tiêu chí sáng kiến để áp vào tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Điều quan trọng nhất để đánh giá một công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải là sự suy tôn của tập thể và sự công nhận của lãnh đạo đối với công việc mà người đó thực hiện. Vấn đề này chúng tôi cũng đang xin ý kiến thành viên Chính phủ, căn cứ vào kết quả lấy ý kiến sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
- Luật sửa đổi cũng quy định xử lý kỷ luật cán bộ đã về hưu bị phát hiện có vi phạm. Ý nghĩa của quy định này như thế nào?
- Theo quy định, cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm trong thời gian công tác thì tùy vào tính chất, mức độ sẽ phải chịu một trong các hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, hoặc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Việc xử lý kỷ luật này gắn với hệ quả pháp lý tương ứng của vi phạm. Cán bộ nghỉ hưu có vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1/7 cũng bị xử lý theo Luật này.
Từ năm 2016 đến nay, hàng loạt lãnh đạo dù đã nghỉ hưu vẫn bị kỷ luật cách các chức vụ trong Đảng và xóa tư cách chức vụ hành chính từng đảm nhiệm. Quy định này là phù hợp thực tiễn, đảm bảo tính tương thích với quy định của Đảng về kỷ luật cán bộ sai phạm, khắc phục tình trạng một số cán bộ có tư tưởng "hạ cánh an toàn".
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua tháng 11/2019. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.