(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Sau bài viết "Lương bác sĩ Việt 20-40 triệu đồng là không thấp", một số bạn hỏi tôi, lương bác sĩ cao như thế thì tính theo hệ số nào? Xin thưa, không có hệ số "cứng". Bệnh viện muốn trả bao nhiêu cũng được, miễn sao cân đối được tài chính. Ngoài ra, việc trả lương còn có giới hạn theo luật: lương của bác sĩ lãnh đạo không được vượt quá 6–8 lần lương của bác sĩ thường không học vị, không chức vụ. Như vậy, cấp trên muốn nâng lương cho cho cấp dưới thì phải nâng lương toàn bệnh viện, bằng không sẽ không đúng luật.
Còn chuyện bác sĩ vùng sâu, vùng xa, chỉ là vấn đề thủ tục. Nhiều bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y đều phải đi vùng sâu, vùng xa ba năm, sau đó mới có thể tìm nơi làm việc khác. Một số người không chịu đi, bỏ luôn bằng đại học hoặc chạy vào làm việc "công quả" trong các bệnh viện lớn, chờ hết hạn ba năm.
Làm ở bệnh viện lớn dù chỉ làm không công nhưng vẫn học hỏi được, đi vùng sâu, vùng xa, gặp ca khó biết hỏi ai? Với bác sĩ mới ra trường, ca nào cũng là ca khó. Khác với các ngành khác, tốt nghiệp xong là có thể xin việc làm luôn, kinh nghiệm từ từ tích lũy theo kiểu "nghề dạy nghề", làm quen việc tự có kinh nghiệm. Ngành Y không được như vậy, luôn phải có bác sĩ đàn anh kèm cặp lớp đàn em vừa "chân ướt chân ráo" mới tốt nghiệp, bằng không hậu quả rất nghiêm trọng. Các bác sĩ trẻ tự tin khám chữa bệnh, kê đơn thuốc là nhờ có những cây "đại thụ" này hỗ trợ về mặt chuyên môn.
Trạm y tế phường, xã làm gì có bác sĩ, giỏi lắm cũng chỉ là y sĩ (ngạch thâm niên của y tá). Y sĩ có thể khám các bệnh thông thường nhưng không có quyền kê đơn cho thuốc. Bác sĩ đi vùng sâu, vùng xa là làm việc ở bệnh viện huyện chứ không phải ở phường, xã. Làm việc ở đây là những bác sĩ mới tốt nghiệp, chuyên môn chưa cứng, gặp ca khó thường phải làm giấy cho bệnh nhân chuyển viện tuyến cao hơn. Bởi vậy, dân nông thôn mới nườm nượp kéo lên khám bệnh ở thành phố khiến cho bệnh viện tuyến đầu bị quá tải.
>> Lương bác sĩ 'người đói, kẻ no'
Lương bác sĩ tuyến cơ sở không thể cao vì ý thức về sức khỏe của dân quê thấp. Hàng năm, họ không khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm (việc này phù hợp với bác sĩ mới ra trường). Đến khi có bệnh chịu không nổi mới chịu đến bệnh viện, khi ấy bác sĩ mới ra trường làm sao đủ kinh nghiệm khám?
Ngoài ra, số lượng bác sĩ tính trên đầu dân của Việt Nam không cao như nước ngoài (tối thiểu 10.000 dân/ bác sĩ). Người nước ngoài chỉ cần gọi điện là có bác sĩ đến tận nhà khám bệnh, tùy theo mức độ bệnh mà cho thuốc uống tại nhà hay nhập viện. Còn ta, bệnh nhân phải tự đến các cơ sở khám chữa bệnh, xếp hàng bốc số (vì bác sĩ nào cũng bị mắc kẹt với cả đống bệnh nhân đang chờ đến lượt khám).
Với các quốc gia phát triển, bác sĩ cũng chỉ là một nghề nghiệp bình thường, nhưng với nước ta, vì số lượng bác sĩ quá ít nên thường được gán cho đủ thứ danh hiệu. Điểm chuẩn cao vì năng lực đào tạo chỉ có nhiêu đó chứ không phải là cố đòi học sinh giỏi. Nếu bạn có tiền và học lực của bạn chỉ ở mức khá, bạn có thể đi du học lấy bằng bác sĩ. Cái khó của người học làm bác sĩ không phải là lý thuyết mà là thực hành. Năng lực đào tạo của các trường Y Việt Nam còn ít. 100 người ra trường thì phân nửa thay cho các bác sĩ già về hưu. Phần còn lại làm sao đáp ứng kịp với tốc độ tăng dân số? 15–20 năm sau, 100 bác sĩ này mới có thể tự đứng độc lập được. Khi ấy, lương của họ tất nhiên phải vượt trội so với bác sĩ mới.
Với người ngoài nghề, bác sĩ nào cũng như nhau, nhưng với người trong nghề, phân biệt rất nghiêm khắc. Chỉ có bệnh viện công, nơi bị cho là lương thấp, mới có chế độ cho bác sĩ mới đi học để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Bệnh viện tư tuy trả lương cao nhưng chuyện đi học thêm chuyên khoa 1–2 chỉ có trong mơ. Nhiều bác sĩ làm ở bệnh viện công chưa ấm chỗ, đã nhảy việc xoành xoạch vì tham lương cao, vậy chừng nào mới có cơ hội được tài trợ đi học? Một bác sĩ cứng, ngoài giờ có thể "chạy sô" nhiều bệnh viện khác, thu nhập gấp nhiều lần lương, 100–200 triệu đồng/ tháng không hiếm. Làm nghề bác sĩ, ai cũng muốn mình một ngày nào đó được như vậy.
>> 'Học phí trường Y gần 100 triệu đồng không đắt'
Chỉ cần bạn có bằng chuyên khoa 1, thư mời dự hội thảo chuyên ngành nêu đích danh bạn sẽ được gửi đến tới tấp. Gia đình tôi phải bỏ ra hàng trăm triệu cho bà xã mua vé máy bay đi Hong Kong, Singapore, Mỹ, Anh, Pháp... để dự hội thảo, chưa kể hội thảo trong nước. Phác đồ điều trị này nọ từ đâu mà có? Đều là từ những hội thảo này. Phác đồ có hai loại: một loại dùng thuốc thông thường, một loại dùng thuốc đặc trị (độc quyền của một hãng dược nào đó). Việt Nam đa phần chỉ mua loại một, còn loại hai không mua nổi vì bệnh nhân không đủ tiền để trả tiền thuốc. Chất lượng khám chữa bệnh ở nước ngoài cao hơn Việt Nam đa phần là nhờ các phác đồ dùng thuốc đặc trị này.
Thuốc men, máy móc, y cụ cho đến tài liệu tham khảo, toàn bộ đều mua của nước ngoài mà chi phí khám chữa bệnh thấp như vậy đã là cố gắng rất lớn của ngành Y. Một ca mổ ruột thừa ở Mỹ tốn cả 10.000 USD, đưa vợ đi đẻ cũng hết 20.000 USD. Trong khi ở trong nước, người bệnh chỉ tốn khoảng 500 USD. Việt Kiều về nước, khách ngoại quốc đến du lịch, không ít người đến các bệnh viện của Việt Nam để khám chữa bệnh vì viện phí rất thấp so với ở nước ngoài. Nếu chúng ta có đủ nhân lực, ngành du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể chuyên sâu hướng du lịch – chăm sóc sức khỏe, trực tiếp cạnh tranh với Singapore. Lương bổng của y bác sĩ có thể vì thế mà được nâng cao hơn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm