Ông Long ở Bình Định, đến Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám đầu tháng 8. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thái Duy cho biết người bệnh có khối lạ dưới hàm phải, phồng sưng to như bàn tay khiến mặt biến dạng. Khối này ban đầu nhỏ bằng ngón tay, tăng dần kích thước trong hai năm, gây đau khi ăn.
Kết quả CT-scan ghi nhận ba viên sỏi tuyến nước bọt dưới hàm phải, to nhất 1,5 cm, nhỏ nhất 0,8 cm. Sỏi gây viêm phì đại, giãn rộng lòng ống của tuyến nước bọt.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, cho biết tuyến nước bọt của người bệnh phì đại do viêm tái diễn nhiều lần khiến phẫu thuật khó khăn. Nếu thao tác không chính xác có thể làm xệ môi, yếu vận động lưỡi, rối loạn vị giác do tổn thương thần kinh. Sau hai giờ, ê kíp lấy hết sỏi, bảo tồn các cấu trúc thần kinh quan trọng. Người bệnh xuất viện khỏe mạnh.
Bác sĩ Hằng cho biết thêm sỏi tuyến nước bọt phổ biến ở người trưởng thành, chiếm 50% các bệnh lý tuyến nước bọt. Sỏi tuyến nước bọt thường có đường kính 0,2-1 cm, chỉ 7,6% trường hợp sỏi lớn hơn 1,5 cm. Sỏi tuyến nước bọt dưới hàm của ông Long kích thước lớn, rất ít gặp.
Một số nguyên nhân hình thành sỏi tuyến nước bọt như tích tụ khoáng chất trong các ống dẫn lưu tuyến nước bọt lâu ngày, sử dụng một số loại thuốc, nhiễm trùng, khối u, bệnh tự miễn. Theo bác sĩ Hằng, trường hợp của ông Long chưa xác định rõ nguyên nhân.
Đa số sỏi tuyến nước bọt lành tính. Sỏi phát triển lớn có thể gây biến dạng mặt, viêm, áp xe tuyến nước bọt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Người bệnh nên đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như đau vùng miệng, quanh hàm, khó há miệng, khô miệng, xuất hiện khối phồng dưới lưỡi... kéo dài hơn ba tuần.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại góp phần bảo vệ hàm mặt, hạn chế nguy cơ mắc sỏi tuyến nước bọt.
Nguyên Phương
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để được bác sĩ giải đáp.