Sau khi cao tốc TP HCM - Trung Lương dừng thu phí, tình trạng ùn ứ xảy ra thường xuyên. Theo ghi nhận, chỉ trong vòng một giờ, có hơn 20 ôtô chạy vào làn dừng khẩn cấp trên đoạn cao tốc qua TP Tân An và huyện Châu Thành không đúng quy định. Tình trạng ôtô chạy vào làn khẩn cấp cũng khá phổ biến trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 56 km, nhiều nhất ở khu vực gần cầu Long Thành và trạm thu phí Long Phước. Việc làn khẩn cấp bị coi như "làn thứ ba" của cao tốc khiến kẹt xe thêm trầm trọng. Việc cứu hộ, cứu nạn hoặc xe cấp cứu cũng gặp nhiều khó khăn.
Nói về nguyên nhân của tình trạng ôtô giành làn khẩn cấp cao tốc, độc giả Nguyenpeter4 cho rằng: "Mức phạt còn quá thấp, chưa đủ răn đe. Thử hỏi có bao nhiêu xe đã chạy vào làn khẩn cấp mổi ngày? Theo báo cáo 'hai tháng gần đây, cao tốc TP HCM - Trung Lương đã xử phạt 105 trường hợp đi vào làn khẩn cấp'. Như vậy có nghĩa là chỉ hai xe chạy vào làn khẩn cấp mỗi ngày? Điều đó có đúng so với ghi nhận thực tế?
Rõ ràng, cần phải bố trí nhiều camera để phạt nguội hơn và tăng mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Vi phạm lần thứ hai có thể bị phạt tới 50 triệu đồng, lần thứ ba là 100 triệu đồng. Làm vậy thử xem có còn xe nào dám chạy vào làn khẩn cấp hay không?".
Trong khi đó, bạn đọc Việt Nam lại chỉ ra một nguyên nhân khác: "Có hai vấn đề ở đây, đó là nạn xe chạy lấn làn khẩn cấp làm cho nó bị vô hiệu hóa. Nhưng cũng nên nói thêm một vấn đề nữa là nạn xe tải trọng lớn, xe đi chậm nhưng dàn hàng ngang ở các làn cao tốc. Đặc biệt xe tải đi chậm nhưng cứ ôm làn tốc độ cao làm cho những tài xế phía sau chịu trận. Tôi cho rằng, cần có chế tài để chấm dứt tình trạng xe to 'đi cao tốc như rùa bò' càng sớm càng tốt, có như vậy đường cao tốc ở Việt Nam mới hoạt động đúng chức năng của nó".
>> Thói xấu 'điền vào chỗ trống' trên cao tốc Việt
Đề xuất giải pháp ngăn ôtô giành làn khẩn cấp cao tốc, độc giả Đỗ Anh Tuấn cho rằng: "Một là bố trí camera dày đặc, xử phạt liên tục các xe vi phạm quy định tối thiểu và tối đa. Hai là chỉ cho phép xe tải trọng lớn đi trên một làn duy nhất để tránh kiểu hai xe container dàn hàng song song khiến kẹt xe kéo dài. Ba là tăng phạt mức phạt nặng nhất đối với xe đi vào làn khẩn cấp. Có như vậy mới mong họ vào khuôn khổ, chứ như hiện nay, nhiều người lái ôtô nhưng vẫn còn tư tưởng của xe máy".
Độc giả Dunghall bổ sung thêm: Ý thức giao thông của một số tài xế rất kém. Nó xuất phát từ tư tưởng ích kỷ, cá nhân, chỉ biết mình, thể hiện ở mọi nơi trong đời sống, rõ nét nhất là văn hóa giao thông. Đi trong nội đô, nhiều người cứ thấy đường trống là lấn ngay vào làn xe máy, hay tranh thủ đi trước mặc kệ dòng xe đi đúng làn đang chờ đèn tín hiệu....
Nhiều lần đi trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tôi thấy hai làn xe kẹt cứng. Ấy vậy mà, dòng xe chạy vào làn dừng khẩn cấp cứ ngang nhiên lưu thông, tôi nhìn mà ức chế. Chính họ đang làm cho thời gian chờ đợi của các xe đến trước kéo dài thêm. Tôi kiến nghị bố trí không gian gần trạm thu phí, sử dụng hình ảnh từ camera giám sát, quyết phạt tất cả xe vi phạm khi đến trạm thu phí".
Lấy ví dụ từ cách làm của các nước trên thế giới, bạn đọc Phan Thank Khoa nêu quan điểm: "Ở Trung Quốc, người ta giáo dục vấn đề này rất kỹ. Ngoài việc phát video ghi cảnh người vi phạm lên các mạng xã hội như Douyin, Weibo để toàn dân được rõ, người ta còn gọi điện cho chủ xe và phạt ngay hôm sau nhờ vào hệ thống camera khổng lồ.
Đặc biệt, ở Trung Quốc, bằng lái của mỗi tài xế chỉ có tối đa 12 điểm. Bất cứ vi phạm nào, ngoài phạt hành chính, người ta còn trừ thẳng vảo điểm bằng lái. Ví dụ, vượt đèn đỏ mỗi lần sẽ bị trừ hai điểm. Và khi xuống 0 điểm, bằng lái sẽ mất hiệu lực trong một thời gian nhất định. Sau đó, lái xe phải đi thi lại bằng mới. Do đó, người dân họ rất sợ vi phạm giao thông, bị trừ điểm bằng lái này. Biện pháp này có tác dụng gấp nhiều lần phạt hành chính thông thường. Việt Nam cũng nên học hỏi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.