Góp thêm ý kiến về câu chuyện ý thức tham gia giao thông của người Việt, tôi xin chia sẻ câu chuyện mà mình từng bắt gặp. Chứng kiến nhiều người sử dụng đèn xi nhan khi đi trên đường hiện nay, tôi cảm thấy thiết bị này gần như chỉ để trang trí, hoặc đối phó với cảnh sát giao thông là chính.
Một buổi sáng trời đẹp, tôi lái xe máy chạy trên đường. Tôi đi với tốc độ chậm nên đi sát lề bên phải. Đến một ngã ba, bỗng xe máy của một anh chàng shipper đi phía trước bất ngờ tạt ngang đầu xe của tôi để rẽ phải. Cú cua gấp ấy khiến tôi và anh suýt lao xe vào nhau. May mà tôi để ý từ trước nên kịp thời xử lý, tránh va chạm.
Suốt đoạn đường trước đó, tôi nhiều lần để ý anh này liên tục đi ra giữa đường trong khi xe vẫn đang bật đèn xi nhan trái. Tôi biết là anh quên tắt đèn xi nhan, bởi chẳng lạ gì với hiện tượng này ở trên đường. Có lần, khi tham gia giao thông, tôi để ý đằng trước mình có tới năm chiếc xe máy đi thẳng nhưng đều để đèn xi nhan trái bật chớp liên hồi mà không hay biết. Tất cả bọn họ đều không để còi xi nhan nên quên tắt sau khi chuyển hướng.
>> Vì sao người Việt mãi quanh quẩn với xe máy?
Một lần khác, tôi ngồi ăn trong một quán cơm bên đường. Trong suốt khoảng thời gian 20 phút , tôi nhìn ra đường và đếm được không dưới 10 chiếc xe đi ngang qua mà không tắt xi nhan. Nhiều lần thấy người đi đường quên tắt xi nhan, tôi chạy lên phía trước để kêu họ tắt đèn. Có người giật mình vội vàng tắt, nhưng cũng có không ít người tỉnh bơ trả lời tôi: "Bật để đấy cho chắc, không đến lúc rẽ lại quên". Nghe vậy, tôi á khẩu, chẳng nói thêm được gì.
Trước đây, từng có trường hợp người đi xe máy chạy thẳng nhưng cố tình bật xi nhan trái, đi vào làn dành cho ôtô để "qua mặt" CSGT tại Hải Phòng (nếu CSGT có bắt lại thì nói là chuẩn bị rẽ trái). Biết là người dân cố ý lách luật, nhưng nhiều trường hợp lực lượng chức năng cũng phải "bó tay", không xử lý nổi.
Đa số những trường hợp này đều đến từ những người lái xe máy. Tất nhiên, cũng đôi lúc có cả ôtô, xe tải để xảy ra hiện tượng tương tự. Bản thân tôi cũng sợ có lúc mình quên bật, tắt đèn xi nhan nên luôn để tiếng còi đi kèm. Ở mỗi giao lộ, tiếng còi ấy giúp tôi biết rằng mình đã bật xi nhan chưa để không vi phạm luật và cũng nhắc tôi biết phải tắt sau khi rẽ.
Thực tế, xe mới mua về, nhà sản xuất luôn để còi xi nhan kèm đèn chớp, nhưng vì không muốn ồn ào, phần lớn người Việt chọn cách tắt tiếng (đặc biệt là người đi xe máy tay ga). Và rồi câu chuyện xi nhan trái nhưng rẽ phải, hoặc đi thẳng cứ thế xuất hiện nhan nhản trên đường, như đánh đố người đi đường. Với tình trạng hiện tại, tôi tự hỏi, liệu Luật Giao thông đường bộ có nên bổ sung thêm quy định "các phương tiện giao thông bắt buộc phải có còi xi nhan" hay không?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.