Trả lời:
Thịt bò thuộc nhóm thịt đỏ gồm thịt heo, thịt cừu, thịt bê, thịt dê, thịt nai...; giàu protein (đạm), kẽm, sắt và vitamin B12 cần thiết cho cơ thể. Chất đạm giúp xương chắc khỏe, duy trì khối lượng cơ, cải thiện quá trình đông máu, chống nhiễm trùng. Khi tế bào trong cơ thể liên tục chết đi và sinh sản, quá trình này có thể xuất hiện lỗi. Các axit amin trong protein hỗ trợ tế bào tự sửa chữa lỗi.
Tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe, mức độ hoạt động, mỗi người cần lượng protein khác nhau. Lượng thịt đỏ mà nam giới sử dụng có thể nhiều hơn nữ giới. Trẻ em và người cao tuổi nên hạn chế thịt đỏ so với người trưởng thành. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người trưởng thành nên ăn 50-70 g thịt đỏ, tương đương 1-2 lòng bàn tay người lớn mỗi ngày.
Người bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường, gout... cần kiểm soát lượng thịt đỏ ăn hàng ngày. Người đang điều trị bệnh, hóa trị, xạ trị ung thư cần tăng tiêu thụ protein nhưng không vượt quá mức khuyến cáo.
Bạn mắc bệnh ung thư vú, không nên kiêng khem quá mức, kể cả thịt bò. Bởi ăn uống vừa phải, cân bằng giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch, chống lại tế bào ung thư. Sau điều trị, chế độ ăn phù hợp, đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể mau hồi phục. Người bệnh nên chế biến các món ít dầu mỡ, hạn chế thịt chế biến sẵn, tránh dùng nhiều muối. Kết hợp thịt đỏ với các loại thực phẩm giàu protein khác như thịt trắng (cá, gà, vịt...), các loại đậu, nấm. Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây trong thực đơn hàng ngày.
Protein có trong cả thực vật và động vật. Nếu người bệnh ăn chay thì phải dùng nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật để đảm bảo đủ protein như đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu nành, sữa đậu nành, bột ngũ cốc, đậu hũ, các loại hạt...
Sau điều trị ung thư vú, người bệnh nên tái khám định kỳ hoặc có bất thường nên đến bác sĩ kiểm tra, điều trị kịp thời.
BS.CKI Lê Ngọc Vinh
Khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |