ThS.BS Tạ Ngọc Thạch, Khoa Nam học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho hay, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sùi mào gà nên tập trung vào nhóm thực phẩm tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, cần biết thực phẩm nào nên ăn và thực phẩm nào cần tránh để đẩy lùi bệnh, ngăn ngừa virus phát triển và hạn chế nguy cơ tái nhiễm. Ngoài ra, người bệnh nên tránh các tác nhân gây căng thẳng cho hệ miễn dịch như hút thuốc, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, gà rán, khoai tây chiên...) để giúp cơ thể chữa lành nhanh hơn các tổn thương.
Thực phẩm nên ăn
Thực phẩm giàu vitamin: Vitamin B12 giúp ích trong việc ngăn chặn và hạn chế hoạt động của virus HPV (Human Papilloma Virus) - virus gây u nhú ở người, trong đó có bệnh sùi mào gà. Vitamin B12 thường có trong những thực phẩm như rau chân vịt, cà chua, nấm hương... Ngoài ra, uống bổ sung vitamin tổng hợp hoặc folate và B12 có thể giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng HPV và làm sạch mụn cóc sinh dục.
Rau và trái cây tươi: Bông cải, cải xoăn, cam, quýt, bưởi... là nhóm thực phẩm người bệnh sùi mào gà nên bổ sung hàng ngày. Chúng chứa nhiều vitamin, khoáng chất quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, mau chữa lành các tổn thương.
Tỏi: Vốn được mệnh danh là "nữ hoàng" kháng sinh tự nhiên nên đây là thực phẩm cần có trong thực đơn mỗi ngày của người bệnh. Ngoài ra, thoa tinh dầu tỏi cũng được xem là cách hiệu quả trị mụn cóc sinh dục.
Nấm hương: Nấm hương là thực phẩm giàu vitamin nhóm B, rất tốt cho sức khỏe người bệnh. Người bệnh nên bổ sung nấm vào thực đơn mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng, rút ngắn thời gian điều trị.
Mật ong: Không chỉ hỗ trợ điều trị sùi mào gà, mật ong còn chứa nhiều dưỡng chất và "kháng sinh tự nhiên" giúp ức chế sự phát triển của virus gây bệnh sùi mào gà.
Thực phẩm nên tránh
Các loại hạt và đậu: Hạt hướng dương, hạt vừng, đậu phộng và các loại đậu khác có khả năng làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh sùi mào gà vì nhóm thực phẩm này chứa lượng arginine dồi dào. Khi mắc bệnh, bạn cần tránh dùng bất kỳ chế phẩm nào từ các loại hạt và đậu.
Bia rượu: Hàm lượng axit cao trong bia rượu có thể kéo dài thời gian điều trị bệnh sùi mào gà, vì thế nên hạn chế tối đa việc uống rượu bia khi mắc bệnh. Thay vào đó, người bệnh nên tích cực uống nước lọc, các thức uống lành tính khác.
Thực phẩm cay nóng: Hệ tiêu hóa vốn được xem là "bộ não thứ 2" của cơ thể. Khi cơ thể thu nạp những gia vị cay nóng như tiêu, ớt, mù tạt... thì hệ tiêu hóa sẽ bị kích thích, gây nóng rát và suy giảm chức năng. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho virus phát triển, lan rộng.
Ngũ cốc: Dù là nhóm thực phẩm mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng với người bệnh sùi mào gà thì đây lại là thực phẩm nên tránh để ngăn virus gây bệnh sinh sôi và phát triển.
Thức uống chứa caffeine: Các loại thức uống như cà phê, trà, soda có chứa lượng arginine cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát hoặc tái phát bệnh.
Hải sản: Vốn chứa hàm lượng chất đạm và chất béo dồi dào nhưng người mắc bệnh sùi mào gà nên tránh dùng bởi hai dưỡng chất này khiến vùng sinh dục bị nóng ẩm, vi khuẩn dễ sinh sôi, gây ngứa ngáy, thậm chí có thể để lại sẹo lồi trên vùng da tổn thương.
Theo ThS.BS Tạ Ngọc Thạch, sùi mào gà hay mụn cóc sinh dục là bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục phổ biến do virus gây ra. Bệnh đặc trưng với các nốt sùi mềm trên bộ phận sinh dục cùng cảm giác đau đớn, ngứa ngáy và khó chịu. Đây là bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, khiến người bệnh đau đớn, khó chịu và tự ti. Nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe như nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, âm đạo, hậu môn ở nữ giới hoặc ung thư dương vật ở nam giới, và ảnh hưởng khả năng sinh sản.
Do đó, khi thấy xuất hiện những nốt mụn, mọc thành cụm, sờ vào không có cảm giác nhưng thấy ngứa hoặc chảy máu khi bị kích thích ở vùng sinh dục và hậu môn thì nên đi khám ngay tại các chuyên khoa Nam học, Da liễu để có hướng điều trị kịp thời.
Hoàng Trang