Sỏi là một khối cứng, được hình thành từ những tinh thể rắn sinh ra từ muối axit và khoáng chất có nồng độ bất thường trong nước tiểu. Trong đó, tinh thể canxi kết hợp với oxalat hoặc phosphat gây ra sỏi canxi và sỏi phosphat là phổ biến nhất. Ngoài ra, sỏi thận còn có sỏi axit uric (sỏi urat), sỏi nhiễm trùng (struvite), sỏi cystine và một số loại sỏi hiếm gặp khác.
Sỏi thận chiếm tỷ lệ 40% trong nhóm sỏi tiết niệu ở Việt Nam. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do thói quen ăn uống, thói quen sinh hoạt và thói quen chăm sóc sức khỏe. Theo Thầy thuốc ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm tiết niệu thận học Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, có rất nhiều yếu tố thúc đẩy hình thành sỏi thận, trong đó có thực phẩm. Một số loại thực phẩm và đồ uống chứa chất có thể dẫn đến việc hình thành những tinh thể này nhanh hơn, nhưng một số khác lại không.
Sỏi oxalat là loại sỏi phổ biến nhất ở người bị sỏi thận. Cơ chế hình thành sỏi là do sự kết hợp của canxi có trong nước tiểu với oxalat, một chất hóa học tự nhiên tồn tại rất nhiều trong thực phẩm như rau chân vịt, hạnh nhân, hạt điều, quả mâm xôi, khoai lang, bột ca cao... Nếu người bệnh ăn nhiều hải sản cùng lúc với các thực phẩm trên có thể thúc đẩy hình thành sỏi thận nhanh hơn, do cơ thể không đào thải tất cả oxalat.
Tương tự, sỏi phosphat được hình thành khi canxi trong nước tiểu kết hợp với phốt pho. Nếu người bệnh mắc sỏi thận thuộc loại sỏi phosphat, nên thận trọng với thực phẩm giàu protein có nguồn gốc từ động vật như thịt nội tạng, sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, đặc biệt là hải sản. Lượng canxi phong phú trong hải sản sản kết hợp với các thực phẩm giàu phốt pho khiến cho tình trạng sỏi thận trở nên trầm trọng hơn hoặc dễ tái phát. Người có sỏi phosphat cũng nên tránh thực phẩm khiến cho nước tiểu có tính kiềm hơn như nước ép rau củ, nước ép trái cây tươi và thực phẩm chế biến sẵn giàu phốt pho như nước có gas, thực phẩm đông lạnh.
Với các loại sỏi còn lại như sỏi axit uric, sỏi cystine có cơ chế hình thành từ nước tiểu giàu tính kiềm và tình trạng rối loạn cystine niệu, việc ăn hải sản không ảnh hưởng nhiều đến hình thành sỏi thận. Do đó, nếu có sỏi thận, Phó Giáo sư Vũ Lê Chuyên khuyên người bệnh nên tìm hiểu về loại sỏi mình đang có để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trong trường hợp không thể xác định chính xác loại sỏi hoặc muốn bảo vệ sức khỏe tốt hơn, người bệnh nên tránh ăn mặn và các loại thịt. Muối có thể làm tăng nguy cơ rò rỉ canxi trong nước tiểu và hình thành sỏi. Thịt đỏ, nội tạng có một lượng lớn chất hóa học tự nhiên tên là purin. Khi ăn nhiều thịt, nồng độ purin cao khiến cho cơ thể sản sinh nhiều axit uric và thận phải làm việc nhiều hơn, tăng nguy cơ hình thành sỏi urat.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tiết niệu cũng khuyến khích người bị sỏi thận nên uống nhiều nước hơn. Đây là cách an toàn nhất giúp làm loãng nồng độ khoáng chất có trong nước tiểu, hỗ trợ người bệnh đi tiểu nhiều hơn, tránh tích tụ canxi hoặc axit uric. Đồng thời, người bệnh cũng cần đảm bảo cơ thể luôn đủ nước bằng cách bù nước khi vận động hay làm việc ở môi trường gây đổ nhiều mồ hôi, hạn chế xông hơi làm mất nước. Tránh uống nước có gas, trà đá có đường, nước ép bưởi...
Để tránh làm cho tình trạng sỏi thận trở nên trầm trọng hơn hoặc tái phát sau điều trị, Phó Giáo sư Vũ Lê Chuyên khuyến cáo người bệnh cân nhắc việc dùng các loại thuốc bổ sung canxi. Kết quả nghiên cứu được thực hiện tại trường Harvard, Mỹ, cho thấy, phụ nữ sau mãn kinh bổ sung canxi có nhiều hơn 20% nguy cơ sỏi thận so với phụ nữ cùng trang lứa. Bởi thuốc canxi tồn tại trong ruột lâu hơn, cản trở sự hấp thu oxalat làm cho nồng độ chất này trong nước tiểu tăng cao gây sỏi thận.
Những viên sỏi có kích thước nhỏ sẽ dễ dàng được đào thải qua bên ngoài. Trường hợp sỏi có kích thước lớn không thể tự trôi theo đường tiểu hoặc gây tổn thương cho các cơ quan đường tiết niệu cần phải điều trị bằng nội khoa hoặc ngoại khoa.
Hân Thái